Ước vọng đầu năm

Tỉnh ta có nhiều dân tộc thiểu số nên các lễ hội đầu năm rất phong phú, đa dạng mang đậm bản sắc văn hóa của từng dân tộc. Các lễ hội truyền thống được tổ chức thường niên, trở thành nét đẹp văn hóa ngày xuân. Cách tổ chức các lễ hội ở từng địa phương tuy có khác nhau nhưng nhìn chung đều là những ước vọng đầu năm của nhân dân, của mỗi người về một năm mới tốt lành.

    Hiện nay, các công ty lữ hành du lịch trong và ngoài tỉnh đã đưa du khách đi khắp các huyện trong tỉnh để thưởng thức hết nét độc đáo của từng lễ hội. Nổi bật nhất trong các lễ hội đầu năm có lẽ là lễ hội Lồng tông. Đây là lễ hội đầu xuân lớn nhất của đồng bào Tày, Nùng - chủ nhân xa xưa của vùng đất này. Lễ hội Lồng tông cấp huyện được tổ chức ở Chiêm Hóa, Lâm Bình; lễ hội Lồng tông cấp xã, thị trấn, thôn được tổ chức ở nhiều nơi trong tỉnh.

Nghi lễ tịch điền tại Lễ hội Lồng tông huyện Chiêm Hóa xuân Đinh Dậu năm 2017.


    Lễ hội Lồng tông là lễ hội xuống đồng cầu các vị thần linh ban cho mưa thuận gió hòa, mùa màng tốt tươi, nhà nhà no đủ, khỏe mạnh. Thầy cả cao tay được mời về cúng cho buổi lễ, đây là lễ cúng chung cho một cộng đồng rộng lớn, được ban tổ chức làm rất chu đáo, cẩn thận. Ông Hoàng Văn Hùng, dân tộc Tày, xã Hòa Phú (Chiêm Hóa) khẳng định, Lễ hội Lồng tông là lễ hội tâm linh của người Tày, nên dù bận đến đâu cũng phải thu xếp thời gian cho cả nhà đi dự. Nét văn hóa này đã được truyền từ đời cha ông. Tan hội, mọi người lại về nhà đẩy nhanh tiến độ sản xuất cây vụ xuân đúng khung thời vụ. Ai cũng kỳ vọng vào một vụ mùa bội thu, như ước nguyện đầu năm đi lễ hội.

    Ngoài lễ xuống đồng, đầu năm lễ hội đình làng cũng rộn rã. Trong tỉnh hầu như dân tộc nào cũng có đình làng, thờ Thành Hoàng làng, người có công và bảo trợ về mặt tâm linh cho cả dân làng. Tiêu biểu Lễ hội Đình làng Giếng Tanh, xã Kim Phú; Đình Minh Cầm, xã Đội Cấn (Yên Sơn); Đình làng Thọ Vực, xã Hồng Lạc; Lễ hội Cầu mùa Đình Tân Trào (Sơn Dương)... Lễ hội đình làng vẫn là biểu tượng của văn hóa làng xã Việt Nam xưa và nay. Ông Nịnh Văn Dũng, xã Kim Phú (Yên Sơn) đi Lễ hội đình làng Giếng Tanh phấn khởi nói, việc tổ chức lễ hội đình làng đầu năm mới thể hiện truyền thống văn hóa của dân tộc, giúp cho dân làng tổng kết năm cũ, cầu mong về một năm mới mọi sự như ý, mọi người sống đoàn kết, tích cực xây dựng gia đình văn hóa, nông thôn mới ở cơ sở.

    Đầu xuân, nhân dân và du khách thập phương có truyền thống đi lễ đền, chùa. Tại các ngôi đền nổi tiếng trong tỉnh như: Đền Hạ, Thượng, Cấm, Ghềnh Quýt, Cảnh Xanh, Ỷ La (TP Tuyên Quang), Bắc Mục (Hàm Yên), Pác Tạ (Nà Hang), Pú Bảo (Lâm Bình)... rất đông du khách dâng lễ, vãn cảnh. Bà Trần Thu Hồng, du khách từ Hà Nội nhận xét, Tuyên Quang có Mẫu Thượng Thiên, Mẫu Thượng Ngàn, Mẫu Thoải, Mẫu Liễu Hạnh. Thờ mẫu Tam Phủ, Tứ Phủ chính là tín ngưỡng tâm linh cổ xưa nhất của người Việt. Ngoài đền, các lễ hội chùa Hang, xã An Khang; chùa An Vinh, phường Hưng Thành (TP Tuyên Quang); lễ hội chùa Phật Lâm, xã Nhữ Hán, chùa Đại Bi, xã Xuân Vân (Yên Sơn); lễ hội chùa Bảo Ninh Sùng Phúc, xã Yên Nguyên (Chiêm Hóa)... Đi lễ chùa, thực hành giáo lý của nhà Phật, lấy đức hạnh giáo hóa chúng sinh, để cuộc sống luôn an lạc, viên mãn.

    Huyện Hàm Yên tổ chức Lễ hội Động Tiên - Chợ quê, xã Phù Lưu tổ chức Lễ hội chợ Thụt hàng năm. Bà Bùi Cẩm Nhung, du khách từ Hải Phòng cho biết, năm nào bà cũng đi Lễ hội Động Tiên - Chợ Quê huyện Hàm Yên. Huyện đã biết kết hợp yếu tố danh lam thắng cảnh với các gian hàng chợ quê. Ở mỗi xã, thị trấn trong huyện đều có những sản vật, đặc sản của địa phương. Ngoài giúp bà con bán hàng, đây là dịp tốt để huyện giới thiệu, quảng bá tiềm năng, liên kết đầu tư phát triển kinh tế, xã hội, đặc biệt là phát triển du lịch, một trong những lĩnh vực đột phá của tỉnh.

    Nhìn chung việc tổ chức lễ hội năm nay, tỉnh Tuyên Quang thực hiện nghiêm chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch là tổ chức các lễ hội truyền thống theo tinh thần vui tươi, trang trọng, tiết kiệm, an toàn, lành mạnh. Qua lễ hội phát động phong trào thi đua yêu nước, Tết trồng cây, giáo dục truyền thống cách mạng và lý tưởng sống đạo nghĩa của người Việt Nam.

Theo TQĐT


Bài viết liên quan