Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Đỗ Văn Chiến
Tạo điều kiện để Tuyên Quang hội nhập và phát triển
Ban Dân tộc đánh giá cao về kết quả đạt được trong phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng - an ninh của Tuyên Quang trong thời gian qua. Tỉnh đã có nhiều mô hình kinh tế sáng tạo như bảo vệ và phát triển rừng, phát triển giáo dục vùng dân tộc thiểu số, cứng hóa đường giao thông và kênh mương nội đồng, đào tạo, bồi dưỡng cán bộ xã.
Tuyên Quang có 22 dân tộc, chiếm 52% dân số toàn tỉnh, có 57 xã với 234 thôn, bản khó khăn. Đồng bào các dân tộc đoàn kết, tuyệt đối tin tưởng vào Đảng và Nhà nước. Tuy nhiên, tỉnh vẫn còn nghèo, nhiều khó khăn. Trong những năm qua, tỉnh đã thực hiện giải phóng mặt bằng di dân tái định cư thủy điện Tuyên Quang, trong tổng số trên 4.200 hộ di dân đến nơi ở mới có tới 90% là đồng bào dân tộc thiểu số. Tuyên Quang là Thủ đô Khu giải phóng, Thủ đô Kháng chiến nhưng việc giao thương với các tỉnh miền xuôi còn khó khăn.
Vì vậy, chúng tôi đề xuất với Chính phủ, các bộ, ngành Trung ương hỗ trợ vốn giúp đỡ đồng bào tái định cư ổn định đời sống; hỗ trợ xây dựng mô hình làm giàu từ kinh tế rừng; xây dựng đường cao tốc nối với tuyến Lào Cai - Nội Bài để Tuyên Quang có điều kiện hội nhập, tạo đà cho kinh tế của tỉnh phát triển.
Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT Nguyễn Xuân Cường
Tuyên Quang đã tiếp cận với cách thức sản xuất nông nghiệp hữu cơ
Tôi rất phấn khởi khi thấy một số mô hình sản xuất hàng hóa của kinh tế hộ và kinh tế tập thể của Tuyên Quang có cách làm ăn mới, mang lại hiệu quả kinh tế cao, tạo được dấu ấn quan trọng trong tiến trình hội nhập và nâng cao giá trị sản phẩm. Trong sản xuất hàng hóa đã tạo chuỗi giá trị từ sản xuất, chế biến và thị trường tiêu thụ sản phẩm. Mối liên kết nông nghiệp với công nghiệp bền chặt có gắn kết giữa vùng nguyên liệu với nhà máy chế biến; thu nhập của người lao động và doanh nghiệp đều tăng cao hơn so cách làm cũ. Một số mô hình của Tuyên Quang đã bắt đầu tiếp cận với cách thức sản xuất nông nghiệp hữu cơ. Đây là hướng đi đúng và cách làm hay để thu hút đầu tư, nhân rộng trong thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp và chương trình xây dựng nông thôn mới.
Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam Vũ Tiến Lộc
Sự năng động, minh bạch là “chìa khóa” để Tuyên Quang phát triển
Vốn là một tỉnh không có nhiều lợi thế về hạ tầng, giao thông kết nối, năng lực tài nguyên, nhưng 2 năm trở lại đây, Tuyên Quang được coi là một “hiện tượng” điển hình cho sự thay đổi bứt phá trong cải thiện chỉ số năng lực cạnh tranh, năm 2015 là tỉnh xếp thứ 48/63 tỉnh thành phố. Có được những điều này, theo tôi chính là nhờ sự thay đổi trong điều hành, lãnh đạo của lãnh đạo tỉnh, sự minh bạch trong thực hiện thủ tục hành chính... Ngay như lần này tỉnh tổ chức Hội nghị Xúc tiến đầu tư, thương mại và du lịch cũng đã là một cách làm rất khác, khi nhiều địa phương khác chỉ quan tâm đến xúc tiến đầu tư, chưa thực sự chú trọng đến vấn đề thương mại và du lịch. VCCI sẵn sàng hợp tác với tỉnh trên cả 3 lĩnh vực: Cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, phát triển doanh nghiệp và xúc tiến đầu tư, thương mại, du lịch. Sắp tới trong khuôn khổ Hội nghị APEC được tổ chức tại Việt Nam, VCCI sẽ tổ chức 1 diễn đàn xúc tiến đầu tư, thương mại, du lịch có quy mô lớn nhất từ trước đến nay, với sự tham gia của các doanh nghiệp, tập đoàn hàng đầu trong khu vực APEC và Việt Nam. VCCI sẽ làm việc cụ thể với tỉnh Tuyên Quang để xây dựng chương trình xúc tiến đầu tư, thương mại, du lịch của tỉnh tại sự kiện này. Chúng tôi hy vọng, Tuyên Quang sẽ trở thành một “ngôi sao” trong việc cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, phát huy lợi thế, thu hút đầu tư.
Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Đào Minh Tú
Có chính sách đầu tư tài chính phù hợp
Những năm qua, ngành ngân hàng luôn bám sát chủ trương, định hướng của Đảng, Chính phủ để có những chính sách đầu tư phù hợp nhằm góp phần chuyển dịch kinh tế, từng bước nâng cao đời sống nhân dân, ổn định kinh tế, chính trị khu vực miền núi phía Bắc, trong đó có tỉnh Tuyên Quang. Bên cạnh việc ưu tiên vốn cho các chương trình đầu tư, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cũng đã chỉ đạo các ngân hàng thương mại dành một phần vốn nhất định hỗ trợ cho công tác an sinh xã hội của Tuyên Quang. Như ngày hôm nay, trong Hội nghị này, các ngân hàng đã cam kết dành trên 15 tỷ đồng góp phần vào công tác an sinh xã hội của tỉnh. Khẳng định cam kết của ngân hàng: Luôn đồng hành cùng với sự phát triển của tỉnh.
Theo "tuyenquang.com.vn"