Lễ hội Đền Hạ, Đền Thượng, Đền Ỷ La thành phố Tuyên Quang được công nhận là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia

Lễ hội Đền Hạ, Đền Thượng, Đền Ỷ La thành phố Tuyên Quang là lễ hội truyền thống vừa được công nhận là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia tại Quyết định số 217/QĐ-BVHTTDL ngày 23/01/2017 của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch.

    “Thực hành Tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt” vừa được UNESCO ghi danh tại Danh sách Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại vào ngày 01/12/2016. Sau gần 2 tháng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch lại công nhận Lễ hội Đền Hạ, Đền Thượng, Đền Ỷ La thành phố Tuyên Quang là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Năm nay Lễ hội rước Mẫu đền Hạ được tổ chức với quy mô lớn hơn mọi năm, các nét văn hóa đặc sắc trong lễ hội tiếp tục được khôi phục tái hiện như: Lễ rước nước trên sông Lô, Liên hoan Văn hóa tín ngưỡng thờ Mẫu (hầu đồng), qua đó nâng cao giá trị của lễ hội, góp phần tăng cường giáo dục truyền thống, tinh thần yêu nước và giữ gìn các di sản văn hóa quý báu của dân tộc tới đông đảo quần chúng nhân dân thành phố Tuyên Quang.

    Tương truyền ngày trước có hai nàng công chúa con vua Hùng là Phương Dung và Ngọc Lân theo xa giá để xem xét địa phương, thuyền đỗ ở bờ sông, đến đêm trời nổi gió, hai nàng vụt bay lên trời, nhân dân trong vùng cho là linh dị nên lập đền thờ (đền Hạ) để thờ Phương Dung công chúa, còn Ngọc Lân công chúa được đưa về phía Bắc của dòng Lô. Thuyền đi gặp vách núi Dùm dựng đứng nên đã dừng thuyền lập đền thờ tại đây gọi là Đền Thượng. Khi bị giặc xâm lược, Phương Dung công chúa thờ tại đền Hạ được nhân dân chuyển lên tổng Trung Môn, huyện Hàm Yên (nay là phường Ỷ La) để thờ, rồi lập ra đền Ỷ La.

Lễ hội rước Mẫu đền Hạ - Đền Thượng - Đền Ỷ La

    Lễ hội rước Mẫu đền Hạ - Đền Thượng - Đền Ỷ La được diễn ra từ sáng sớm ngày 11-2 (âm lịch), nhân dân và khách thập phương tập trung tại đền Ỷ La để rước bà Phương Dung công chúa (người chị) từ đền Ỷ La về đền Hạ. Tiếp đến ngày 12-2 (âm lịch), người dân lại làm lễ rước bà Ngọc Lân công chúa (người em) từ đền Thượng về đền Hạ, hai bà sẽ gặp nhau tại đền Hạ để cùng hợp tế.

    Bên cạnh phần lễ là phần hội được diễn ra với rất nhiều các trò chơi như: Đánh tổ tôm, tam cúc, cờ tướng, ô ăn quan, chọi gà, kéo co, hát văn... Đặc biệt là tục “chui qua kiệu Mẫu” vẫn được lưu truyền, gìn giữ với niềm tin thánh Mẫu ban cho sức khỏe, ấm no, hạnh phúc. Trai gái yêu nhau sẽ nên duyên vợ chồng. Thế nên không chỉ có con trẻ, mà các cụ già 70, 80 tuổi vẫn ngồi xếp hàng chờ chui qua kiệu Mẫu với tràn trề niềm hứng khởi.

    Ngày 16-2 (âm lịch) kết thúc Lễ hội, nhân dân lại làm lễ hoàn cung đưa Mẫu trở về đền thờ riêng của mình để phù trợ, giữ yên cho muôn dân được an lành, làm ăn tấn tới.

   

    Ngày nay, đền Hạ, đền Thượng và đền Ỷ La không chỉ thờ hai nàng công chúa con vua Hùng mà còn thờ Tam tòa Thánh mẫu trong Đạo mẫu Việt Nam là Mẫu Thượng Thiên, Mẫu Thượng Ngàn và Mẫu Thoải. Lễ hội Rước Mẫu Đền Hạ - Đền Thượng - Đền Ỷ La đang trở thành một sản phẩm du lịch mang nét văn hóa đặc sắc của thành phố Tuyên Quang.

Phạm Hương


Bài viết liên quan