Tuyên Quang có nhiều điều kiện để phát triển tốt các loại hình du lịch, trong đó nổi bật là Khu di tích Quốc gia đặc biệt Tân Trào; Khu du lịch sinh thái Nà Hang với diện tích rừng nguyên sinh rất lớn, với trên 8.000 ha hồ thủy điện cùng với nhiều hang động, danh lam, thắng cảnh là điều kiện phát triển du lịch sinh thái, mạo hiểm; Khu du lịch Suối khoáng Mỹ Lâm với nguồn nước khoáng nóng 70oC độc đáo tốt nhất miền Bắc cùng với hệ sinh thái hài hòa là điều kiện lý tưởng để phát triển du lịch nghỉ dưỡng; Tuyên Quang có các hệ thống đình chùa, đền nổi tiếng linh thiêng đã và đang là điểm đến ưa thích của khách du lịch tâm linh trong và ngoài nước; Tuyên Quang có nhiều lễ hội, trong đó Lễ hội thành Tuyên đã được sách kỷ lục Guinness Việt Nam xác nhận kỷ lục lễ hội có nhiều mô hình đèn Trung thu độc đáo, lớn nhất Việt Nam. Lễ hội Lồng tông là lễ hội lớn nhất của người Tày được công nhận là di sản phi vật thể quốc gia. Các lễ hội của Tuyên Quang đang ngày càng được du khách biết đến trở thành một trong những loại hình du lịch hết sức độc đáo mà chỉ Tuyên Quang mới có.
Mùa vàng Lâm Bình. Ảnh: Duy Hùng
Với những lợi thế về phát triển du lịch, từ năm 2011 đến năm 2020, Tuyên Quang xác định du lịch là một trong những khâu đột phá của tỉnh nhằm ưu tiên cho đầu tư phát triển. Trong thời gian qua, tỉnh đã ban hành Quy hoạch tổng thể phát triển du lịch Tuyên Quang đến năm 2020, định hướng đến năm 2030, nhiều chương trình, dự án đầu tư vào hạ tầng du lịch được thực hiện; công tác xúc tiến, quảng bá du lịch được đẩy mạnh; nguồn nhân lực du lịch từng bước được nâng cao về trình độ chuyên môn, nghiệp vụ; lượng khách du lịch đến Tuyên Quang tăng mạnh qua từng năm.
Định hướng trong thời gian tới, tỉnh tiếp tục đẩy mạnh phát triển các sản phẩm du lịch trọng điểm gồm du lịch văn hóa lịch sử, du lịch nghỉ dưỡng, du lịch sinh thái. Ngoài ra phát triển thêm các loại hình du lịch khác như du lịch dịch vụ gắn với các đô thị, du lịch thể thao cao cấp, du lịch vui chơi giải trí, du lịch cộng đồng, du lịch tâm linh tín ngưỡng. Tỉnh sẽ chia thành các không gian phát triển du lịch gồm: Không gian du lịch trung tâm tại thành phố Tuyên Quang và các vùng phụ cận; không gian du lịch phía Đông gồm huyện Sơn Dương và phía Đông Nam huyện Chiêm Hóa, trọng tâm là Khu du lịch Quốc gia đặc biệt Tân Trào; không gian du lịch phía Bắc gồm huyện Nà Hang và huyện Lâm Bình; không gian du lịch phía Tây gồm huyện Hàm Yên và phía Tây huyện Yên Sơn. Ngoài các điểm du lịch sẵn có sẽ mở thêm một số điểm du lịch khác.
Những lĩnh vực ưu tiên đầu tư phát triển du lịch của tỉnh bao gồm: Đầu tư vào lĩnh vực hệ thống hạ tầng cơ sở phục vụ phát triển du lịch; đầu tư phát triển hệ thống cơ sở lưu trú và công trình phục vụ du lịch; đầu tư tu bổ, tôn tạo và bảo vệ các di tích văn hóa - lịch sử và khôi phục phát triển các lễ hội truyền thống phục vụ du lịch; đào tạo nguồn nhân lực; tuyên truyền, xúc tiến, quảng bá.
Du khách đến với Khu di tích Quốc gia đặc biệt Tân Trào.
Để tạo môi trường thuận lợi cho các nhà đầu tư vào lĩnh vực du lịch, tỉnh tiếp tục đẩy mạnh công tác cải cách thủ tục hành chính, loại bỏ các thủ tục hành chính rườm rà, không cần thiết, gây phiền toái cho các nhà đầu tư; thực hiện tốt cơ chế “Một cửa - Một đầu mối” nhằm tạo điều kiện tối đa về thủ tục hành chính cho nhà đầu tư. Tỉnh tiếp tục thực hiện chương trình đào tạo và đào tạo lại lao động trong ngành du lịch ở các cấp, trình độ khác nhau, chuyên ngành khác nhau. Trong thời gian tới tỉnh tiếp tục hoàn thiện hạ tầng du lịch, nâng cấp và từng bước hiện đại hóa hệ thống đường, điện, cấp thoát nước,… tạo tiền đề quan trọng thu hút các nhà đầu tư phát triển du lịch. Đẩy mạnh việc nâng cao nhận thức cho người dân. Thực hiện tốt các giải pháp bảo vệ tài nguyên, môi trường du lịch, đẩy mạnh công tác truyền thông, giáo dục để nâng cao nhận thức cho cộng đồng dân cư và khách du lịch về bảo vệ tài nguyên, môi trường du lịch, bảo vệ văn hóa truyền thống và các giá trị của di sản.
Một tín hiệu khả quan cho ngành Du lịch tỉnh ta, thời gian tới Doanh nghiệp tư nhân xây dựng Xuân Trường (Ninh Bình), một trong số doanh nghiệp có bề dầy kinh nghiệm trong lĩnh vực hoạt động du lịch ở Việt Nam đã khảo sát và có kế hoạch đầu tư phát triển một số loại hình du lịch thế mạnh của tỉnh, mở ra một triển vọng mới, đánh thức tiềm năng, lợi thế về du lịch ở Tuyên Quang. Cùng với đó, thời gian tới tỉnh ta sẽ phối hợp với tỉnh Bắc Kạn xây dựng hồ sơ đề nghị UNESCO công nhận hồ Na Hang, Lâm Bình là Di sản thiên nhiên thế giới để quảng bá và thu hút du khách. Hai tỉnh Tuyên Quang và Hà Giang tập trung hợp tác năm lĩnh vực, trong đó về lĩnh vực du lịch, 2 bên tập trung đầu tư kết cấu hạ tầng du lịch, khảo sát xây dựng kết nối tua, tuyến du lịch gắn với phát triển các sản phẩm du lịch mới nhằm khai thác có hiệu quả tiềm năng du lịch hai bên.
Danh mục các dự án trọng điểm mời gọi đầu tư của tỉnh về lĩnh vực dịch vụ du lịch
1. Dự án sân golf Nhữ Khê, xã Nhữ Khê, huyện Yên Sơn 300 ha
2. Khu đô thị nghỉ dưỡng sông Lô P. Nông Tiến, TP Tuyên Quang 5,4 ha.
3. Khu du lịch sinh thái núi Dùm TP Tuyên Quang 300 ha.
4. Khu du lịch Tình Húc TP. Tuyên Quang 20 ha.
5. Khu dịch vụ tại Khu di tích lịch sử Tân Trào, huyện Sơn Dương 15 ha.
6. Khu du lịch sinh thái Phiêng Bung, xã Năng Khả, huyện Nà Hang 461 ha.
Theo TQĐT