Cần nâng cao tính chuyên nghiệp của các công ty lữ hành

Nhiều công ty lữ hành ra đời góp phần phục vụ nhu cầu hưởng thụ các dịch vụ du lịch ngày càng cao của du khách, đồng thời tăng cường quảng bá, phát triển du lịch địa phương. Tuy nhiên, đa số các công ty lữ hành trên địa bàn tỉnh hoạt động manh mún, chưa mang tính chuyên nghiệp. Điều đó được thể hiện từ khâu điều hành, kết nối tour tuyến đến liên kết giữa các cơ sở lưu trú...

    Tính chuyên nghiệp chưa cao

    Theo Báo cáo của Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, trên địa bàn tỉnh hiện có 7 doanh nghiệp hoạt động lữ hành, trong đó có 1 công ty lữ hành quốc tế, tập trung chủ yếu trên địa bàn thành phố Tuyên Quang. Trên thực tế, chỉ có 5 công ty đang hoạt động lĩnh vực du lịch còn 2 công ty khác đã chuyển hình thức kinh doanh. Có thể nhận thấy rằng trên lộ trình của du lịch tỉnh nhà, hệ thống doanh nghiệp lữ hành phát triển yếu và chậm, chưa tương xứng với tiềm năng, thế mạnh của địa phương.

    Các doanh nghiệp lữ hành hoạt động thời vụ vào một số thời điểm nhất định, trong đó chủ yếu đưa khách trong tỉnh đi du lịch các tỉnh bạn. Điển hình như: Công ty TNHH Vietrantour trong năm 2016 đã đưa 1.150 lượt khách đi du lịch các tỉnh; Công ty TNHH Thương mại và Du lịch Thái Dương trung bình mỗi năm tổ chức 20 tour với hơn 200 lượt khách đến tỉnh bạn…

Các nhân viên Công ty TNHH Vietrantour, Chi nhánh Tuyên Quang
tư vấn tour du lịch cho khách hàng.

    Trong khi đó, việc các công ty đưa khách ở tỉnh bạn về địa phương lại rất ít. Đa số các công ty mỗi năm chỉ tổ chức được từ 2 - 5 tour: Năm 2016, Công ty Du lịch Hương Việt có 2 tour tương đương với khoảng 60 khách; Công ty TNHH Thương mại và Du lịch Thái Dương tổ chức được 5 tour; Công ty TNHH Một thành viên Thương mại và Dịch vụ Hoàng Gia chỉ có 3 tour...

    Lý giải điều này, chị Nguyễn Thị Huế, Phó Trưởng phòng Quản lý du lịch, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch nhận định, trên thực tế, hầu hết đơn vị lữ hành Tuyên Quang hoạt động còn manh mún, nhỏ lẻ, chưa chuyên nghiệp. Mỗi công ty chỉ có từ vài ba nhân viên, đội ngũ nhân lực từ nhân viên làm thị trường đến hướng dẫn viên du lịch đều thiếu và yếu. Sức cạnh tranh của các doanh nghiệp lữ hành ở Tuyên Quang không bằng các doanh nghiệp lữ hành lớn tại địa phương khác. Đa số khách hàng thường lựa chọn công ty lữ hành ở các thành phố lớn bởi họ hoạt động chuyên nghiệp hơn, bố trí tour và giá cả hấp dẫn hơn. Do đó, hầu hết các tour lớn các công ty ở Tuyên Quang đều phải nhường sân hoặc chỉ đóng vai trò là cầu nối cho các hãng lữ hành ở thành phố lớn.

    Công ty Du lịch Hương Việt bắt đầu khai trương từ năm 2008 và xác định một trong những khó khăn lớn nhất của doanh nghiệp là tìm kiếm đội ngũ hướng dẫn viên chuyên nghiệp. Anh Nguyễn Văn Bảo, Giám đốc Công ty cho biết, hiện tại, bên cạnh khó khăn là thị trường nhỏ, chưa phát triển thì công ty lữ hành Tuyên Quang còn thiếu đội ngũ hướng dẫn viên, để đáp ứng dịch vụ cho khách hàng công ty phải thuê các cộng tác viên ở các địa phương khác. Do đó, Công ty thường xuyên bị động trong việc điều phối nhân viên.

    Thêm nữa, khó khăn trong kinh doanh lữ hành phụ thuộc vào nhiều yếu tố, một trong các yếu tố cơ bản đó là mức chi trả của từng nhóm khách khác nhau. Hầu hết khách hàng ở Tuyên Quang khi đi du lịch thường thuê trực tiếp xe ô tô và tự đi, không qua các công ty lữ hành vì cho rằng chi phí sẽ đắt hơn khi phải chi trả cho các dịch vụ của công ty. Mặt khác, các công ty lữ hành thực sự chưa làm tốt vai trò quảng bá, kết nối để du khách biết đến và lựa chọn.

    Vừa qua chị Nguyễn Thị Hậu, tổ 25, phường Minh Xuân (TP Tuyên Quang) được nhóm bạn ở Ninh Bình nhờ liên hệ tour đến tham quan, nghỉ dưỡng tại Tuyên Quang. Chị cho biết, thực ra ban đầu chị có đi tìm hiểu để lựa chọn một đơn vị lữ hành đứng ra tổ chức, tuy nhiên thấy mức giá khá cao, thiết kế tour du lịch chưa hấp dẫn nên mình quyết định đi thuê xe để đoàn mình tự trải nghiệm.

    Việc lỏng lẻo trong liên kết giữa các công ty lữ hành và các cơ sở lưu trú, dịch vụ ăn uống, vận tải… cũng là một hạn chế. Từ đó, dẫn đến tình trạng giá cả bị “chặt chém”, khiến chất lượng dịch vụ đi xuống, ảnh hưởng đến lượng khách. Anh Nguyễn Văn Bảo, Giám đốc Công ty Du lịch Hương Việt cho biết thêm, một số cơ sở kinh doanh dịch vụ vẫn còn tư tưởng làm kinh tế “chụp giật”. Điển hình mới đây nhất, Công ty có đoàn khách Thái Bình đến sử dụng dịch vụ ở Khu du lịch suối khoáng Mỹ Lâm. Mặc dù đã “làm” giá trước nhưng có cơ sở tắm khoáng vẫn tìm mọi cách để nâng giá dịch vụ khiến nhiều du khách bức xúc.

    Cần sự nỗ lực từ doanh nghiệp

    Tuyên Quang là tỉnh có tiềm năng du lịch đa dạng, phong phú và hấp dẫn với nhiều loại hình khác nhau như: Du lịch văn hóa, lịch sử; du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng; du lịch tâm linh; du lịch cộng đồng... Đây là tiền đề tốt để ngành du lịch phát triển, đem lại những cơ hội việc làm, nâng cao đời sống kinh tế và hiểu biết xã hội cho người dân địa phương. Đồng thời, đây cũng là cơ hội để các công ty lữ hành trong và ngoài tỉnh khai thác và phát triển.

Gian hàng quảng bá các sản phẩm du lịch của địa phương tại Hội chợ Nông nghiệp thương mại
vùng Tây Bắc. Ảnh: Quang Hòa


    Kinh tế du lịch tiếp tục được Đại hội Đảng bộ tỉnh Tuyên Quang lần thứ XVI, nhiệm kỳ 2015 - 2020 xác định là một trong ba khâu đột phá của tỉnh. Để cụ thể hóa chủ trương đó, UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch Phát triển du lịch giai đoạn 2016 - 2020. Trong đó, nêu rõ giải pháp phát triển du lịch là bổ sung cơ chế, chính sách khuyến khích ưu đãi đầu tư, chú trọng ưu đãi các tổ chức, cá nhân tham gia các hoạt động phục vụ cho phát triển du lịch. Đồng thời chú trọng xây dựng tour, tuyến, điểm du lịch cho các doanh nghiệp lữ hành...

    Theo đó, tại Chương trình hợp tác phát triển du lịch “Qua những miền di sản Việt Bắc” năm 2016, Trung tâm Xúc tiến đầu tư tỉnh Tuyên Quang đã ký thỏa thuận hợp tác phát triển du lịch giữa Trung tâm Hoạt động xúc tiến du lịch Việt Bắc với các công ty kinh doanh du lịch dịch vụ. Ông Trương Xuân Quý, Giám đốc Trung tâm Xúc tiến đầu tư tỉnh cho biết, Trung tâm thường xuyên có buổi làm việc với các công ty lữ hành, khuyến khích các đơn vị đẩy mạnh nghiên cứu thị trường xây dựng các tour du lịch hấp dẫn, phù hợp từng đối tượng du khách để có mức giá hợp lý.

    Có thể thấy ở các công ty lữ hành trong nước như tại Phú Quốc (Kiên Giang), Nha Trang (Khánh Hòa)... đều xây dựng nhiều tour du lịch phù hợp với từng đối tượng là học sinh, sinh viên, cán bộ công chức hay người dân lao động. Du khách dễ dàng chọn các tour du lịch theo hình thức như hàng ngày, tour 2 ngày 1 đêm, 3 ngày 2 đêm, 4 ngày 5 đêm... Với dịch vụ và chi phí khác nhau đem lại nhiều sự lựa chọn phù hợp.

    Bên cạnh đó, các đơn vị lữ hành cần có hình thức quảng cáo mở rộng đa dạng hơn, các chương trình khuyến mại cũng nên được áp dụng để thu hút sự chú ý của khách hàng. Anh Nguyễn Thế Tuấn, xã An Tường (TP Tuyên Quang) cho biết, một số đơn vị lữ hành Tuyên Quang chưa làm tốt việc quảng bá thương hiệu của mình. Bằng chứng là nhiều du khách muốn đi du lịch không biết liên hệ ở công ty lữ hành nào. Nhiều tên công ty lữ hành tồn tại thời gian dài nhưng người dân chưa biết đến. Anh Tuấn ví dụ ở Đà Nẵng, các đơn vị kinh doanh du lịch làm rất tốt vai trò quảng bá, ngay từ sân bay, bến xe đã có hàng chục người phát tờ rơi quảng bá về công ty cũng như tour tuyến với mức giá cạnh tranh. Các trang web trực tuyến được xây dựng khá sinh động và hiệu quả, lôi cuốn người xem.

    Công ty TNHH Vietrantour, Chi nhánh Tuyên Quang được đánh giá là khá thành công trong các hoạt động maketting. Ngày đầu khai trương Chi nhánh tại Tuyên Quang, bên cạnh việc tổ chức sự kiện hoành tráng, Công ty còn thực hiện chương trình khuyến mại để thu hút sự chú ý của khách hàng. Do đó, mới chỉ từ đầu năm 2017 tới nay, qua công ty có khoảng 900 lượt khách Tuyên Quang đi du lịch trong nước và quốc tế.

    Có thể nói, nguồn nhân lực du lịch là một trong những yếu tố thành công của người làm du lịch. Do đó, các doanh nghiệp cần có đội ngũ hướng dẫn viên và điều hành tour chuyên nghiệp, am hiểu và hiệu quả. Ngoài ra các lái xe đi tua, tuyến du lịch, các lễ tân, phục vụ buồng, phòng… cần được đào tạo để trở thành hướng dẫn viên, thuyết minh viên khi cần thiết.

    Đặc biệt, điều mà hầu hết các công ty lữ hành đều mong muốn đó là sự liên kết khi làm du lịch. Bà Đinh Nguyệt Ánh, Giám đốc Công ty TNHH Vietrantour chia sẻ, cần có một tiếng nói chung, hợp tác giữa các doanh nghiệp cùng làm du lịch, kết nối các công ty lữ hành với nhau và giữa công ty lữ hành với các đơn vị cơ sở lưu trú, ăn uống, vận tải… Tất cả cùng hướng tới mục tiêu chung vì sự phát triển bền vững, thì lúc đó, các công ty lữ hành Tuyên Quang mới thật sự đón đầu khách du lịch, bền hơi trên chặng đường phát triển du lịch.

    Đó chính là điều mà các công ty du lịch cần nhìn nhận đúng đắn và có hướng đi phù hợp.


Bà Dương Lan Hương, Giám đốc Công ty TNHH Thương mại và Du lịch Thái Dương:

Khó khăn trong việc xây dựng tour, tuyến du lịch

Hiện nay, quá trình xây dựng tour, tuyến du lịch trên địa bàn tỉnh vẫn còn không ít khó khăn. Đó là việc liên kết với các điểm du lịch trong tỉnh còn hạn chế, hầu hết tại những điểm này đường sá, cơ sở vật chất chưa thực sự đáp ứng được nhu cầu của du khách; công tác đào tạo nguồn nhân lực, đội ngũ hướng dẫn viên và nhân viên còn chưa chuyên nghiệp... Bên cạnh đó, việc khai thác những giá trị văn hóa, tinh thần của các dân tộc trên địa bàn còn chưa tương xứng với tiềm năng, là rào cản lớn trong việc giới thiệu đến du khách những nét đặc sắc riêng có của mỗi dân tộc. Tôi mong rằng trong thời gian tới, với sự quan tâm vào cuộc của các cấp, các ngành và các đơn vị làm du lịch, những khó khăn sẽ dần được tháo gỡ, mang lại niềm tin cho du khách và giúp ngành du lịch của tỉnh ngày càng khởi sắc.

Bà Nguyễn Thị Thu Hà, Trưởng phòng Quản lý du lịch (Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch):

Cần nâng cao khả năng liên kết tour tuyến

Hiện nay, các đơn vị lữ hành trong tỉnh hầu như chưa đầu tư đúng mức vào các hoạt động khai thác dịch vụ lữ hành như: Cơ sở vật chất, phương tiện vận chuyển, đội ngũ hướng dẫn viên. Các hoạt động còn đơn lẻ, chưa quan tâm nhiều đến công tác xúc tiến, quảng bá thương hiệu. Do vậy, một số công ty chỉ mang tính duy trì để tồn tại “làm một vụ, ăn cả năm”. Để thu hút khách du lịch đến với Tuyên Quang, trong thời gian tới, các chi nhánh, công ty du lịch tại tỉnh cần nâng cao chất lượng các dịch vụ; khai thác các tour, tuyến; tăng cường liên kết chặt chẽ giữa công ty với những địa phương có tiềm năng du lịch để xây dựng nhiều sản phẩm mới... nhằm thu hút và giữ chân du khách tại địa phương.

Ông Lê Sỹ Khả, huyện Đan Phượng, Hà Nội:

Mong các công ty lữ hành mở nhiều tour du lịch hấp dẫn

Hằng năm tôi vẫn đi theo tua du lịch đến các đền Mẫu đầu xuân ở Tuyên Quang. Đi nhiều, tôi biết tiềm năng du lịch của tỉnh còn rất lớn, chưa được khai thác hiệu quả. Tôi mong muốn Tuyên Quang sẽ có nhiều doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh làm du lịch chuyên nghiệp, từ đó tạo ra nhiều tour tuyến mới, giá cả cạnh tranh hợp lý để du khách lựa chọn. Ví dụ như đi tham quan, trải nghiệm nghề trồng cam sành ở Hàm Yên, nghề làm chè thủ công ở Yên Sơn... Bên cạnh đó, các sản phẩm và loại hình du lịch của tỉnh cũng cần phong phú, đa dạng hơn mới có thể hấp dẫn được du khách.

Theo TQĐT


Bài viết liên quan