Tháng 3 năm 1945, dưới sự lãnh đạo của Đảng, trực tiếp là đồng chí Chu Quý Lương, nhân dân Kim Trận đứng lên khởi nghĩa vũ trang giành chính quyền. Sau khi giành được chính quyền, nhân dân họp bàn và quyết định đổi tên làng. Đồng bào đã lấy tên liệt sỹ Phạm Hồng Thái đặt làm tên xã mình và đình Kim Trận cũng mang tên đình Hồng Thái từ đó.
Đình Hồng Thái được dựng theo thuật phong thuỷ từ ngàn xưa để lại, đó là thế: "đất tụ thuỷ, nước tụ hội". Trên thực tế, đình được đặt theo hướng nam lấy núi Thia làm án đình, phía trước là dòng sông Phó Đáy, trước cửa đình có một khoảng sân rộng có nhiều cây cổ thụ như: cây đa, cây gạo…
Đình Hồng Thái nơi dừng chân đầu tiên của Chủ tịch Hồ Chí Minh
khi Người về Tân Trào năm 1945
Đình được cất dựng năm thứ 4 của triều Khải Định, tức năm 1919. Đình có kiến trúc thuần gỗ, mái lợp lá cọ. Nhìn về tổng thể, đình có dáng dấp một ngôi nhà sàn miền núi, gồm có ba gian, hai chái. Hai gian hai bên dùng làm nơi hội họp và ăn uống, 3 gian chính giữa dùng làm nơi cúng tế. Phía trên gian giữa có một sàn lửng, chia làm hai phần: phần thượng cung dùng để đồ cúng tế, phía trong là vọng cung là nơi để đồ tế khí.
Không giống như đình ở miền xuôi, đình Hồng Thái có kiến trúc rất đơn giản. Nổi bật lên là các chữ triện tô mực đen ở các đầu dư, một số câu Hán văn được ghi lại trên các xà và các câu đối, đáng chú ý là hai câu nói về địa thế của đình:
"Để giang tả bão linh nguyên hội
Ngọc tỉnh hữu triều thụy khí chung"
Tạm dịch:
"Sông Đáy vòng bên trái nguồn linh thiêng hội tụ lại.
Giếng ngọc chầu bên phải khí đẹp chung đúc về."
Ngoài ra, ở gian giữa ta còn thấy hình tượng 6 con tắc kè bám ở 6 cột. Ngoài giá trị về mặt kiến trúc, trang trí, đây còn là một trong những tín ngưỡng nông nghiệp của đồng bào, bởi đồng bào tin rằng tắc kè là con vật có khả năng dự báo được thời tiết mưa hay nắng, để từ đó người ta có thể tính được thời gian trồng cấy mùa vụ.
Đình Hồng Thái thờ các vị sơn thần xung quanh vùng. Ngoài ra, đình còn thờ một vị nhân thần là Ngọc Dung công chúa.
Hàng năm, dân làng ở đây tổ chức nhiều lễ cúng bái tại đình, các ngày lễ dựa vào mùa vụ trong năm. Ngày lễ lớn nhất là ngày mùng 3 tháng giêng âm lịch. Trong ngày lễ này, đồng bào tổ chức nhiều trò chơi lý thú, bổ ích như: vật, câu ếch, hát ổi, cầy bừa, hát then…Tất cả những trò chơi ấy đã phản ánh tinh thần thượng võ, tính giáo dục cũng như sinh hoạt bình dị của người dân nơi đây. Đây là ngày hội vui nhất của làng, họ rước Ngọc Dung công chúa ở cầu Chương - Bến Lở về cầu tự cho dân làng. Trong ngày vui đó, nhân dân các vùng lân cận cũng về đây góp vui.
Ngoài ra, còn có hai ngày lễ: ngày 4/5 âm lịch là ngày lễ hạ điền, ngày 14/7 âm lịch là ngày lễ thượng điền. Hai ngày lễ này ít người tham dự hơn ngày lễ chính. Họ tổ chức ngày lễ này với mong muốn tạ ơn trời đất đã cho nhân dân một mùa vụ tốt tươi, dân làng no đủ.
Thôn Hồng Thái nằm ở phía tây và là cửa ngõ của xã Tân Trào. Đình Hồng Thái được đặt trên một khu đất rộng, gần với con đường đi từ thị trấn Sơn Dương vào. Phía bắc của đình là dòng sông Phó Đáy; phía tây có dãy núi Bòng; phía nam có dãy núi Thia. Từ vị trí này có thể dễ dàng cơ động đi các xã có phong trào cách mạng phát triển mạnh như: Bình Yên, Lương Thiện,Trung Yên,Thanh La... Do vậy, nơi đây đã trở thành một trạm chuyển tiếp, một đầu mối liên lạc.
Ngày 4/5/1945, Bác Hồ từ Pắc Bó, Cao Bằng về Tân Trào theo con đường Nam tiến mà Bác đã vạch ra trước đây cho đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân từ hồi đầu mới xây dựng. Con đường này đi từ Cao Bằng qua Bắc Kạn, Thái Nguyên về huyện Sơn Dương - Tuyên Quang, qua xã Trung Yên, Thanh La; qua Hồng Thái rồi về Tân Lập. Trên con đường hàng trăm cây số, Bác đã đi và dừng chân ở nhiều nơi, địa điểm đình Hồng Thái là nơi dừng chân đầu tiên khi Người đến Tân Trào.
Theo hồi ký của đồng chí Võ Nguyên Giáp, việc tổ chức đón Bác tại đình Hồng Thái gồm có các đồng chí lãnh đạo của Phân khu Nguyễn Huệ: Tạ Xuân Thu, Song Hào, Chu Văn Tấn, Lê Trung Đình và một số đồng chí khác. Bác đến đình vào buổi trưa, khi bước vào đình Bác nhìn bao quát khung cảnh xung quanh vẻ rất hài lòng. Bác bắt đâu câu chuyện với những lời hỏi thăm ân cần sức khoẻ của mọi người, hỏi thăm Uỷ ban châu về tình hình phong trào cách mạng của địa phương. Đến buổi chiều cùng ngày, Bác Hồ và những người đi cùng, dùng mảng qua sông Phó Đáy để vào làng Tân Lập.
Bước sang tháng 8 năm 1945, phong trào cách mạng phát triển mạnh mẽ, khí thế giành chính quyền đang hừng hực khắp nơi. Bác và Trung ương Đảng đã quyết định triệu tập Hội nghị cán bộ toàn quốc của Đảng, từ ngày13 đến 15 tháng 8 năm 1945 và Quốc dân Đại hội cũng được triệu tập tại đình Tân Trào vào ngày 16 và 17/8/1945. Đình Hồng Thái được chọn làm nơi đón tiếp các vị đại biểu về dự Đại hội. Tất cả các vị đại biểu trước khi vào Tân Trào đều phải xuất trình giấy tờ tại đình Hồng Thái.
Sau khi cách mạng tháng Tám thành công, Bác Hồ và Trung ương Đảng chuyển về Hà Nội. Đất nước ta hòa bình chưa được bao lâu, thực dân Pháp bội ước quay trở lại xâm chiếm nước ta một lần nữa. Kháng chiến toàn quốc bùng nổ, quê hương cách mạng Tân Trào lại được đón Bác, Trung ương, Chính phủ về đây để chỉ đạo cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp. Trong thời kỳ kháng chiến, đình Hồng Thái trở thành trụ sở của Ban bảo vệ an toàn khu. Đây được coi như một phòng thường trực của các cơ quan Trung ương đóng quanh vùng. Các cơ quan này lần lượt do các đồng chí: Hoàng Hữu Kháng, Trần Duy Kiên, Vi Văn Lệ phụ trách. Mọi người muốn vào các cơ quan Trung ương công tác đều phải qua đình Hồng Thái, xuất trình giấy tờ, có chữ ký của người phụ trách thì mới được vào an toàn khu.
Cũng trong thời kỳ kháng chiến, đình Hồng Thái còn được vinh dự được Bác Hồ ghé thăm. Đó là khoảng đầu năm 1951, trên đường đi công tác Bác Hồ đã vào thăm đình, thăm hỏi bà con nông dân học chính sách thuế nông nghiệp. Sau đó, Bác chúc sức khoẻ bà con rồi tiếp tục lên đường đi công tác.
Ngoài ra, đình Hồng Thái là nơi làm việc của bộ phận Tiếp tế ATK trong thời gian kháng chiến. Sau khi bộ phận này chuyển đi thì nhiều đơn vị bộ đội về đóng quân tại đình Hồng Thái để huấn luyện các đơn vị bộ đội.
Như vậy, đình Hồng Thái không những là nơi sinh hoạt văn hoá, hội hè mà còn là nơi diễn ra những sự kiện lịch sử quan trọng, góp phần vào thắng lợi chung của cuộc Tổng khởi nghĩa cách mạng tháng Tám và cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược. Đình Hồng Thái thật xứng đáng với tên gọi của nó và trở thành một trong những biểu tượng của quê hương cách mạng Tân Trào. Trong bài thơ Việt Bắc, nhà thơ Tố Hữu đã viết:
"Mười lăm năm ấy ai quên
Quê hương cách mạng dựng nên cộng hòa
Mình đi mình có nhớ mình
Tân Trào, Hồng Thái, mái đình, cây đa
Mình về mình có nhớ ta
Mái đình Hồng Thái, cây đa Tân Trào"./.
Hải Nguyễn