Tìm hướng đi cho sản phẩm phục vụ du lịch

Sản phẩm lưu niệm và đặc sản địa phương phục vụ khách du lịch là nguồn lợi nhuận không nhỏ cho ngành Du lịch nhưng hiện nay tỉnh ta vẫn đang tìm hướng đi cho sản phẩm du lịch đặc trưng. Du lịch được xác định là một trong 3 khâu đột phá giai đoạn 2015 - 2020 của tỉnh, từng bước đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn thì việc phát triển hàng hóa, sản phẩm lưu niệm phục vụ du khách mới phát huy được hiệu quả kinh tế mà du lịch đem lại.

 

Sản phẩm hàng hóa phục vụ khách du lịch đặc trưng của Tuyên Quang giới thiệu
tại Hội nghị Xúc tiến đầu tư thương mại và du lịch tháng 2-2017.

   Thiếu vắng sản phẩm lưu niệm đặc trưng

   Bà Lương Thị Tý, thôn Tân Lập, xã Tân Trào (Sơn Dương) đã có 6 - 7 năm nay bán hàng cho khách du lịch tại khu vực đường vào lán Nà Nưa - Khu di tích Quốc gia đặc biệt Tân Trào. Bà Tý bán các loại thuốc nam, hàng đặc sản của địa phương như bánh nếp nương, chuối rừng…

   Các sản phẩm đồ lưu niệm chủ yếu là quần áo thổ cẩm, vòng tay, sáo trúc nhưng… được nhập từ Thổ Tang (Vĩnh Phúc). Khách du lịch càng ngày càng đông nhưng lượng khách mua thì rất ít, họ chỉ ngó qua rồi đi. Cửa hàng của bà Tý giống như hầu hết các cửa hàng bán hàng hóa, sản phẩm lưu niệm cho khách du lịch ở các khu, điểm du lịch trong tỉnh.

   Tại Khu du lịch sinh thái Na Hang, lượng khách du lịch đến ngày một đông nhưng ở đây thì lại không có cửa hàng nào kinh doanh hàng hóa, đồ lưu niệm phục vụ khách du lịch ngoại trừ một số điểm bán chè Shan tuyết, thịt chua, hoa phong lan trên địa bàn thị trấn Na Hang.

   Ông Lê Thanh Sơn, Trưởng Ban Quản lý Khu du lịch sinh thái Na Hang cho biết, khách du lịch muốn tìm hiểu các sản vật của địa phương thường phải thông qua các hướng dẫn viên rồi họ tự tìm đến mua. Chỉ duy nhất có sản phẩm thổ cẩm là hàng thủ công mang giá trị cao của địa phương được bán nhưng giá một bộ phải từ 7 đến 15 triệu đồng. Nếu khách mua số lượng nhiều thì cũng không có mà bán.

   Có thể nói, các sản phẩm, đồ lưu niệm mang tính đặc trưng của tỉnh hầu như không có. Hiện có duy nhất cơ sở làm dệt thổ cẩm ở huyện Hàm Yên và một số nghệ nhân chế tác đàn Tính nhưng số lượng còn hạn chế. Các sản phẩm của địa phương được bày bán mang tính chất nhỏ lẻ, thiếu chuyên nghiệp.

Khách du lịch mua đồ lưu niệm tại Khu di tích Quốc gia đặc biệt Tân Trào (Sơn Dương).
Ảnh: Nguyễn Chính

   Anh Phạm Văn Hùng, một du khách đến từ Hà Nội cho biết, được tới tham quan Khu di tích Quốc gia đặc biệt Tân Trào cảm thấy rất vinh dự khi được tìm hiểu những địa danh gắn liền với lịch sử cách mạng của dân tộc như lán Nà Nưa, đình Tân Trào…

   Những địa danh này có tính giáo dục truyền thống rất lớn. Tuy nhiên anh muốn có một món quà lưu niệm mang tính đặc thù của khu di tích, của địa phương mà không có, chủ yếu là những loại hàng hóa đồ lưu niệm “made in” Trung Quốc được bày bán nhan nhản ở khắp các điểm du lịch trên cả nước. Việc thiếu vắng những sản phẩm của địa phương không chỉ làm thất thu mà không phát huy được sức quảng bá du lịch mà các sản phẩm hàng hóa, đồ lưu niệm mang lại.

   Cần có giải pháp

   Ông Nguyễn Vũ Phan, Quyền Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch cho biết, du lịch là một ngành kinh tế tổng hợp, tạo ra các dịch vụ phục vụ du lịch đi kèm đem lại nguồn thu cho địa phương. Vì nó là ngành tổng hợp nên đa số các địa phương còn lúng túng với câu chuyện về quà lưu niệm và cho rằng đó không phải là trách nhiệm riêng mình.

   Muốn phát triển hàng hóa, sản phẩm lưu niệm cho khách du lịch thì các sở chuyên ngành như Công thương, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, các huyện, thành phố, các khu, điểm du lịch, Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh phải vào cuộc.

   Đặc biệt vai trò quan trọng hơn là của các cấp chính quyền và cơ quan tham mưu cho chính quyền để phát huy tiềm năng, thế mạnh của địa phương, tạo ra những sản phẩm mang tính đặc trưng của địa phương mình, đáp ứng thị hiếu của khách.

   Hiện ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh đã có một số ý tưởng làm các sản phẩm quà lưu niệm mang hình ảnh tiêu biểu, đặc trưng của Tuyên Quang và đang tiến hành triển khai thực hiện. Tuy nhiên, đây mới chỉ là bước đầu, cụ thể như lá đa Tân Trào, mô hình cây đa Tân Trào, trống của dân tộc Dao, đàn Tính…

Cơ sở dệt thổ cẩm Mạnh Bình, thị trấn Tân Yên (Hàm Yên).

   Để khuyến khích các tổ chức, cá nhân tham gia sản xuất, kinh doanh các sản phẩm hàng hóa, đồ lưu niệm, ngành Du lịch hiện có Quỹ hỗ trợ phát triển du lịch. Quỹ này sẽ trực tiếp hỗ trợ khi tổ chức, cá nhân đầu tư máy móc, thiết bị ban đầu.

   Cùng với đó, các đơn vị phải đẩy mạnh xây dựng, quảng bá các thương hiệu mang tính chất đặc sản của Tuyên Quang như rượu ngô chè, thịt trâu khô… Khi các sản phẩm đã có thương hiệu thì không chỉ bán trực tiếp cho khách du lịch mà còn có sức vươn ra thị trường khác.

   Theo ông Nguyễn Văn Dưng, Chủ tịch UBND huyện Lâm Bình, muốn phát triển hàng hóa, sản phẩm quà lưu niệm cho khách du lịch thì địa phương phải xây dựng cho mình một kế hoạch cụ thể, giao cho đơn vị thực hiện cụ thể. Sau đó tiến hành lựa chọn sản phẩm, hàng hóa mang tính đặc trưng phù hợp với địa phương rồi thực hiện thiết kế mẫu để đảm bảo tính thống nhất. Khi có mẫu có thể giao cho tổ chức, cá nhân, hợp tác xã, doanh nghiệp tổ chức sản xuất.

   Hiện nay, huyện Lâm Bình mới thực hiện được việc hỗ trợ các hộ trồng bông dệt vải làm thổ cẩm bán cho khách du lịch. Tại gia đình thực hiện mô hình du lịch Homestay bước đầu đã trưng bày trang phục, dụng cụ sản xuất đặc trưng của đồng bào dân tộc Tày. Tới đây, huyện sẽ phải tiến hành thực hiện xây dựng kế hoạch từng bước phát triển hàng hóa, sản phẩm, quà lưu niệm cho khách du lịch.

   Sản phẩm lưu niệm không chỉ làm gia tăng giá trị thặng dư cho ngành Du lịch mà còn là một trong những giải pháp quảng bá hình ảnh của tỉnh ra bên ngoài. Vậy nên, việc xác định quà lưu niệm đặc trưng tại các điểm đến ở địa phương không chỉ làm tăng nguồn thu cho ngành Du lịch mà còn góp phần quảng bá hình ảnh của địa phương.

Theo TQĐT


Bài viết liên quan