Khai thác tiềm năng phát triển du lịch tỉnh Tuyên Quang

Tuyên Quang - mảnh đất lịch sử văn hóa lâu đời và giàu truyền thống cách mạng đã hai lần vinh dự trở thành "Thủ đô Khu giải phóng", "Thủ đô Kháng chiến”...

       Ngược dòng lịch sử đấu tranh cách mạng hào hùng của dân tộc Việt Nam, trong Cách mạng tháng Tám năm 1945, Tuyên Quang là "Thủ đô Khu giải phóng" tập trung lãnh đạo cuộc Tổng khởi nghĩa giành chính quyền trong cả nước lập nên nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa, nhà nước công nông đầu tiên ở Đông Nam Á. Trong 9 năm trường kỳ kháng chiến chống thực dân xâm lược, Tuyên Quang vinh dự trở thành "Thủ đô kháng chiến", nơi đồng bào cả nước "Trông về Việt Bắc mà nuôi chí bền". Tại nơi đây, Chủ tịch Hồ Chí Minh, Trung ương Đảng, các bộ, ban, ngành Trung ương đóng trụ sở làm việc để lãnh đạo cuộc kháng chiến đi đến thắng lợi. Từ đó đã hình thành nên hệ thống di tích lịch sử gắn với những địa danh nổi tiếng như: Lán Nà Nưa, Đình Tân Trào, Đình Hồng Thái, Cây Đa Tân Trào... Tuyên Quang còn là nơi hội tụ và giao thoa những sắc thái văn hóa của các dân tộc miền núi phía Bắc; nơi bảo tồn nhiều di sản văn hóa và là điểm đến hấp dẫn du khách trong nước và quốc tế...

Du khách thăm quan và nghe thuyết minh tại Lán Nà Nưa

     Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Tuyên Quang lần thứ XV, nhiệm kỳ 2010-2015 đã xác định: “Phát triển kinh tế du lịch là một trong 4 lĩnh vực đột phá, từng bước đưa ngành du lịch trở thành ngành kinh tế quan trọng của tỉnh”, Nghị quyết Đại hội Đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XVI, nhiệm kỳ 2015-2020 tiếp tục xác định “Khai thác tiềm năng để phát triển du lịch” là 1 trong 3 khâu đột phá với mục tiêu đến năm 2020: Thu hút trên 1,7 triệu lượt khách du lịch; cơ sở hạ tầng kỹ thuật du lịch tương đối đồng bộ tại các khu, điểm du lịch trọng điểm của tỉnh; phấn đấu xây dựng Khu du lịch lịch sử, văn hóa sinh thái Tân Trào trở thành Khu du lịch quốc gia...

     Hiện nay, toàn tỉnh đã hoàn thành quy hoạch tổng thể phát triển du lịch tỉnh Tuyên Quang và quy hoạch tổng thể 3 khu du lịch: Khu du lịch lịch sử, văn hóa và sinh thái Quốc gia Tân Trào, Khu du lịch suối khoáng Mỹ Lâm, Khu du lịch sinh thái Na Hang. Các phân khu chức năng trong khu du lịch đang triển khai hoàn thiện. Cùng với đó, tỉnh đã ban hành nhiều cơ chế, chính sách ưu đãi đầu tư, tập trung đẩy mạnh kinh tế phát triển; thành lập Quỹ hỗ trợ phát triển du lịch tỉnh Tuyên Quang tạo điều kiện thuận lợi cho các tổ chức, các nhân được hỗ trợ kinh phí trong triển khai một số nội dung thực hiện các chương trình, dự án phát triển du lịch…

Lung linh Đêm hội Thành Tuyên

       Tuyên Quang đã bước đầu xây dựng được các sản phẩm du lịch của riêng mình như: “Lễ hội thành Tuyên” - Một lễ hội đặc sắc, riêng có, là tình cảm, sự quan tâm sâu sắc của các cấp ủy Đảng, chính quyền và nhân dân đối với các cháu thiếu nhi của tỉnh, đồng thời là một sản phẩm du lịch độc đáo do chính nhân dân Tuyên Quang khởi xướng, phát huy và lưu giữ từ nhiều năm nay. Nét độc đáo và riêng có của Lễ hội Thành Tuyên đó là vào dịp Trung thu hàng năm, người dân Tuyên Quang tổ chức chế tác các xe đèn Trung thu khổng lồ, muôn màu sắc, mô phỏng các nhân vật trong các truyện cổ tích, truyện ngụ ngôn hoặc phản ánh đời sống, nét văn hóa, danh lam thắng cảnh của đất nước và tổ chức diễn diễu trên các truyến phố của thành phố Tuyên Quang. Lễ hội Thành Tuyên đã được Kỷ lục Guiness Việt Nam xác nhận có mâm cỗ Trung thu lớn nhất và Lễ hội có nhiều mô hình đèn trung thu độc đáo, hấp dẫn, lớn nhất Việt Nam, được đông đảo du khách trong và ngoài nước yêu thích; Tỉnh Tuyên Quang đã đặt mục tiêu xây dựng Lễ hội Thành Tuyên trở thành sản phẩm du lịch mang tầm thương hiệu quốc gia và quốc tế để giới thiệu với du khách trong và ngoài nước về hình ảnh miền đất, con người cá các giá trị di sản văn hóa của Tuyên Quang, đặc biệt là những giá trị đặc sắc về lịch sử, văn hóa quê hương cách mạng, "Thủ đô khu giải phóng" - " Thủ đô kháng chiến", góp phần thúc đẩy du lịch của tỉnh ngày càng phát triển; Cùng với Lễ hội Thành Tuyên, tỉnh Tuyên Quang còn có Lễ hội Đền Hạ, Đền Thượng, Đền Ỷ La - một lễ hội có truyền thống hơn 300 năm tôn vinh những giá trị văn hóa của nhân dân thành phố Tuyên Quang, đặc biệt là “Tín ngưỡng thờ Mẫu thoải - Mẹ Nước” và được tổ chức nhân dịp “Thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt” được UNESCO công nhận là di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại. Đồng thời, Lễ hội đền Thượng, đền Hạ đền Ỷ La cũng được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia vào đầu năm 2016.

Lế hội rước mẫu đền Thượng - đền Hạ - đền Ỷ La

      Tuyên Quang là một vùng văn hóa đa hương sắc với nhiều dân tộc anh em cùng sinh sống, mỗi dân tộc lại có những nét văn hóa riêng của mình. Cái riêng kết hợp cùng cái chung tạo thành nét độc đáo trong văn hóa tín ngưỡng. Giống như một bảo tàng văn hóa, kiến trúc nghệ thuật, tôn giáo, tín ngưỡng đã và đang là điểm đến ưa thích của khách du lịch tâm linh trong và ngoài nước. Trong đó có những lễ hội đặc biệt như Lễ hội Lồng tông và nghi lễ Then của dân tộc Tày; lễ Cấp Sắc, hát Páo Dung của dân tộc Dao; hát Soọng Cô của dân tộc Sán Dìu; hát Sình Ca của dân tộc Cao Lan đã được công nhận là di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia, riêng nghi lễ Then của dân tộc Tày đang hoàn thiện hồ sơ để trình UNESCO công nhận là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Bên cạnh loại hình du lịch văn hóa lịch sử, du lịch tâm linh - lễ hội, tỉnh Tuyên Quang cũng đặc biệt quan tâm tới loại hình du lịch sinh thái - nghỉ dưỡng kết hợp chữa bệnh trong đó có Khu du lịch suối khoáng Mỹ Lâm với nguồn nước khoáng nóng 69oC rất độc đáo, được các chuyên gia đánh giá là tốt nhất miền Bắc, có tác dụng chữa nhiều loại bệnh cùng với hệ sinh thái điều hòa là điều kiện lý tưởng để phát triển loại hình du lịch nghỉ dưỡng. Tỉnh Tuyên Quang đã chủ trì và phối hợp với tỉnh Bắc Kạn lập hồ sơ Khu di sản thiên nhiên Na Hang - Ba Bể (thuộc địa bàn tỉnh Tuyên Quang và Bắc Kạn), trình UNESCO công nhận là Di sản thiên nhiên thế giới và lập hồ sơ Khu bảo tồn thiên nhiên Na Hang - Lâm Bình trình Thủ tướng Chính phủ xếp hạng Khu danh lam thắng cảnh cấp quốc gia đặc biệt; Nghiên cứu triển khai Đề án phát triển “Du lịch cộng đồng” trong Khu bảo tồn thiên nhiên Na Hang - Lâm Bình. Song song với việc khai thác các tiềm năng phát triển du lịch sẵn có, tỉnh cũng tập trung mời gọi các nhà đầu tư lớn có kinh nghiệm năng lực và có thương hiệu trong nước đầu tư vào những dự án du lịch trọng điểm.

    Năm 2010, lượng khách du lịch đến Tuyên Quang mới chỉ đạt mức hơn 500.000 lượt, đến năm 2016 đã đạt hơn 1,4 triệu lượt. Sáu tháng đầu năm 2017 đạt 1.064.00 lượt khách du lịch, đạt 71,4% kế hoạch năm, tăng 15% so với cùng kỳ năm trước. Một số nhà đầu tư chiến lược đã thực hiện các dự án phát triển du lịch, xây dựng cơ sở lưu trú đạt chất lượng cao tại Tuyên Quang...

     Ở góc độ nhà đầu tư, bước đầu, một số nhà đầu tư chiến lược đã thực hiện các dự án phát triển du lịch, xây dựng cơ sở lưu trú đạt chất lượng cao tại Tuyên Quang... Tỉnh đã tập trung vào việc vận động các nhà đầu tư lớn, có uy tín năng lực thật sự và có thương hiệu trong nước đầu tư vào những dự án trọng điểm. Tỉnh đã thu hút được một số dự án của các nhà đầu tư lớn như: Trung tâm Thương mại, nhà phố thương mại (Shop-house) Vincom Tuyên Quang, Dự án Vinpearl Tuyên Quang (của Tập đoàn Vingroup), Khách sạn Mường Thanh Grand Tuyên Quang (của Tập đoàn khách sạn Mường Thanh), Dự án đầu tư vào khu du lịch sinh thái Nà Hang, Lâm Bình và Dự án đường cao tốc kết nối Tuyên Quang với đường cao tốc Lào Cai - Nội Bài của Doanh nghiệp tư nhân xây dựng Xuân Trường…

Khách sạn Mường Thanh Grand Tuyên Quang

     Các hoạt động du lịch của tỉnh được tăng cường, mở rộng và hiệu quả, có khả năng liên kết các vùng trong phạm vi cả nước và quốc tế như: Du lịch lịch sử, văn hóa: Với thương hiệu "Thủ đô Khu giải phóng" - “Thủ đô Kháng chiến” tại Khu di tích lịch sử Quốc gia đặc biệt Tân Trào, di tích lịch sử Quốc gia đặc biệt Kim Bình, Khu di tích lịch sử quốc gia Cách mạnh Lào tại thôn Làng Ngòi - Đá Bàn, xã Mỹ Bằng, huyện Yên Sơn. Du lịch sinh thái: Khu du du lịch sinh thái Na Hang, rừng nguyên sinh Tát Kẻ - Bản Bung, Thác Bản Ba, Động Tiên... Du lịch tâm linh: Hệ thống đình, đền, chùa trên địa bàn tỉnh... Du lịch cộng đồng: Homestay Lâm Bình, Na Hang, Sơn Dương, Yên Sơn... Du lịch khám phá, trải nghiệm, du lịch nghỉ dưỡng - chữa bệnh: Suối khoáng Mỹ Lâm... Đặc biệt, trong số 15 dự án trọng điểm mà Tuyên Quang mời gọi đầu tư giai đoạn 2017 - 2020 có nhiều dự án về phát triển du lịch. Trong đó có dự án xây dựng Khu đô thị nghỉ dưỡng Sông Lô; Khu du lịch sinh thái Núi Dùm; Khu du lịch sinh thái Phiêng Bung… Nói như vậy để thấy, “cô gái đẹp” Tuyên Quang đã và đang rạng rỡ, tươi xinh đón chào du khách và các nhà đầu tư.

Trong thời gian tới tỉnh tiếp tục hoàn thiện cơ sở hạ tầng du lịch, nâng cấp và từng bước hiện đại hóa các thiết chế văn hóa... tạo tiền đề quan trọng thu hút các nhà đầu tư phát triển du lịch nhằm đạt mục tiêu đưa du lịch trở thành một trong ba lĩnh vực đột phá của tỉnh./.

Phạm Hương


Bài viết liên quan