Đội văn nghệ quần chúng huyện Hàm Yên luyện tập tiết mục "Đám cưới người Dao"
chuẩn bị tham gia Ngày hội văn hóa dân tộc Dao lần thứ nhất.
Theo Báo cáo của Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, hiện nay Sở đã hoàn thành xây dựng Chương trình hoạt động trong khuôn khổ Ngày hội và Lễ hội. Đồng thời, dự thảo kịch bản Lễ khai mạc Ngày hội Văn hóa dân tộc Dao toàn quốc lần thứ nhất và Lễ hội Thành Tuyên năm 2017 đã hoàn thành. Thành phần tham gia bao gồm 1.000 người thuộc 12 đoàn nghệ nhân, diễn viên, vận động viên của 12 tỉnh, thành phố: Tuyên Quang, Thái Nguyên, Hà Giang, Cao Bằng, Bắc Kạn, Sơn La, Lai Châu, Phú Thọ, Vĩnh Phúc, Hà Nội, Quảng Ninh, Thanh Hóa. Chương trình sẽ có nhiều tiết mục mang đậm bản sắc văn hóa Dao như: Lễ tiến đưa Bàn Vương và các thánh thần về trời, phần nhảy múa của thầy cúng, hát Páo dung 2 bên nam nữ, trích đoạn lễ đón Dâu, trình diễn trang phục của một số nhóm người Dao…
Theo kế hoạch Đêm hội Thành Tuyên năm 2017 diễn ra đêm 30-9 tại 2 sân khấu Quảng trường Nguyễn Tất Thành và sân khấu Hồ công viên Tân Quang (TP Tuyên Quang). Đêm hội bao gồm các màn trình diễn phức hợp. Trong khi các mô hình được diễu hành qua lễ đài, ngoài lời giới thiệu của người dẫn chương trình, xen kẽ sẽ là các tiết mục nghệ thuật hát, múa, biểu diễn xiếc. Tất cả tạo nên một không khí vui tươi rộn rã trong đêm hội trăng rằm.
Việc trưng tập 224 nghệ nhân, diễn viên quần chúng tại các huyện đã được Trung tâm Văn hóa Triển lãm tỉnh thực hiện. Theo ông Trần Hải Quang, Giám đốc Trung tâm Văn hóa và Triển lãm tỉnh, từ ngày 15-9, các nghệ nhân, diễn viên quần chúng bắt đầu đi vào luyện tập các tiết mục phục vụ các chương trình nghệ thuật. Một số tiết mục đặc sắc của các ngành Dao đã được chọn như: “Tết nhảy” của người Dao quần chẹt, xã Hợp Hòa (Sơn Dương), Hòa tấu nhạc cụ trống của người Dao đỏ, xã Sơn Phú (Na Hang), Múa màng của người Dao tiền, xã Yên Nguyên (Chiêm Hóa), Nghi lễ mừng thọ của người Dao đỏ, xã Tân Thành (Hàm Yên).
Mấy ngày nay, cường độ làm việc của cán bộ Trung tâm Xúc tiến đầu tư tỉnh được đẩy lên cao. Trung tâm hiện đã hoàn thành việc chọn mặt bằng, lên sơ đồ bố trí các gian hàng tại không gian trưng bày triển lãm của các tỉnh, thành phố. Theo đó, trên trục Đại lộ Tân Trào (TP Tuyên Quang) có 14 khu trưng bày. Trong đó, có khu trưng bày của Bảo tàng Văn hóa các dân tộc Việt Nam, khu trưng bày giới thiệu các sản phẩm đặc sản của Tuyên Quang và các địa phương khác. Còn trong khu vực khuôn viên của Trung tâm Văn hóa - Thể thao thanh thiếu nhi tỉnh, Trung tâm Xúc tiến đầu tư chủ trì xây dựng kế hoạch thực hiện 30 gian hàng phục vụ việc trưng bày, giới thiệu ẩm thực các dân tộc tỉnh Tuyên Quang và Lễ hội Bia Hà Nội. Tại khuôn viên Hồ công viên Tân Quang, Trung tâm cũng tiến hành dựng 7 gian hàng quảng bá đặc sản văn hóa, ẩm thực của các địa phương trong tỉnh.
Đại diện Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch cùng các lạnh đạo một số đợ vị khảo sát mô hình Trung thu
của HTX Xây dựng thiết kế mỹ thuật Ánh Dương, xã Trung Môn (Yên Sơn).
Để thu hút du khách đến với Ngày hội và Lễ hội, Trung tâm tiến hành nhiều hoạt động quảng bá giới thiệu như: Video clip giới thiệu về Lễ hội Thành Tuyên và các điểm du lịch tại Tuyên Quang; in ấn tài liệu quảng bá du lịch; phối hợp Ban Truyền hình đối ngoại, Đài Truyền hình Việt Nam phát sóng giới thiệu về: Lễ hội rước mẫu, chèo thuyền Kayak, chế biến chè Shan Tuyết... Ông Đỗ Trung Kiên, Giám đốc Trung tâm Xúc tiến đầu tư tỉnh chia sẻ, Trung tâm đã chủ động phối hợp với các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ du lịch trong và ngoài tỉnh xây dựng các chương trình du lịch nội tỉnh, liên tỉnh.
Trong đợt này, Trung tâm xây dựng 4 tour phục vụ du khách khám phá và trải nghiệm Tuyên Quang như: “Lung linh đêm hội Thành Tuyên - suối nước nóng Mỹ Lâm” (từ ngày 30 đến 31-9); “Du lịch về nguồn trải nghiệm làm đèn” (từ ngày 20-8 đến 20-9); “Sắc màu văn hóa dân tộc Dao - Đêm hội Thành Tuyên - Khu du lịch sinh thái Na Hang” (từ ngày 29-9 đến 1-10); “Du lịch homestay Lâm Bình” (từ ngày 29-9 đến 1-10). Hy vọng rằng, những tour du lịch đặc biệt trên sẽ đem đến cho du khách những trải nghiệm thú vị, tạo ấn tượng sâu sắc về đất và người xứ Tuyên.
Tính đến thời điểm này, cũng đã có 70 tổ dân phố trên địa bàn TP Tuyên Quang tham gia thi mô hình đèn Trung thu. UBND thành phố Tuyên Quang đã khảo sát, lựa chọn 2 mô hình đèn Trung thu tham gia diễn diễu tại không gian đi bộ hồ Hoàn Kiếm (Hà Nội). Trong đó, mô hình dự kiến lựa chọn là “Rồng vàng” và “Gia đình nhà Gà” của tổ 9, tổ 11 phường Tân Quang sẽ được trình diễn nhằm phục vụ họp báo giới thiệu các hoạt động diễn ra trong khuôn khổ Ngày hội và Lễ hội tại Hà Nội. Thành phố cũng đang triển khai khảo sát, lắp đặt mô hình đèn Trung thu 12 con giáp và 2 đèn kéo quân tại khu vực Hồ công viên Tân Quang. Các hoạt động như lắp đặt hệ thống đèn điện trang trí, chiếu sáng; tu sửa các tuyến đường nội thành, xây dựng các điểm nhấn tạo không gian tham quan đang được thành phố tích cực triển khai.
Ngày hội và Lễ hội tới đây là dịp để người dân Tuyên Quang giới thiệu với bạn bè trong nước và quốc tế những nét đẹp văn hóa của địa phương mình. Vì thế, công tác chuẩn bị về cơ sở vật chất, nội dung các hoạt động, hậu cần, an ninh... đang được triển khai và thực hiện nghiêm túc, chu đáo.
Theo baotuyenquang.com.vn