Sức sống của lễ hội truyền thống

Lễ hội vốn là một thế mạnh của du lịch tỉnh ta. Với khách du lịch, lễ hội được nhìn nhận như một “bảo tàng sống” về đời sống dân cư văn hóa bản địa.

   Theo phòng Di sản văn hóa (Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch), toàn tỉnh hiện có 43 lễ hội, trong đó có 24 lễ hội dân gian, 2 lễ hội lịch sử cách mạng, 13 lễ hội tôn giáo và 4 lễ hội văn hóa du lịch. Trong số này có nhiều lễ hội văn hóa truyền thống mang bản sắc riêng, tập trung vào thời điểm trong và sau dịp tết nguyên đán như Lễ hội Lồng tông tại Lâm Bình, Nà Hang, Chiêm Hóa; lễ hội cầu mùa tại Tân Trào (Sơn Dương), lễ hội tôn giáo tại các chùa, đền trên địa bàn tỉnh... Nhiều lễ hội trở thành di sản văn hóa quốc gia, một số lễ hội cấp làng, xã nhưng có sức lan tỏa lớn, thu hút nhiều du khách trong và ngoài nước.


Thi khâu còn đẹp tại Lễ hội Lồng tông (Chiêm Hóa) năm 2016. Ảnh: Quang Hòa


    Đầu năm thường là thời điểm các địa phương trên địa bàn tỉnh tổ chức các lễ hội đặc sắc, cầu mong mùa màng tươi tốt, bội thu. Bên cạnh các lễ hội do các đền, chùa tổ chức, nhiều địa phương đã phục dựng và duy trì những lễ hội dân gian truyền thống, có tuổi đời và sức sống lâu năm. Lễ hội Lồng tông của người Tày được tổ chức tại các xã vùng cao như Lâm Bình, Nà Hang, Chiêm Hóa thu hút một lượng khá đông khách du lịch. Tiếng Tày, Lồng tông có nghĩa là xuống đồng. Lễ hội Lồng tông là lễ hội xuống đồng đầu năm mới. Đây là lễ hội dân gian cầu mùa lớn nhất trong năm của người Tày. Lễ hội tổ chức theo quy mô cấp thôn, xã, huyện. Ở tỉnh ta, ở cấp độ huyện có Lễ hội Lồng tông huyện Chiêm Hóa và Lễ hội Lồng tông huyện Lâm Bình. Lễ hội là dịp để cư dân địa phương tạ ơn Thần Nông, Thành Hoàng làng, là nơi tụ họp vui xuân của mọi người, cầu mong mùa màng tươi tốt bội thu, muôn vật nảy nở khỏe mạnh, muôn người bình an. Từ năm 2013, Nghi lễ then và Lễ hội Lồng tông của người Tày được Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia và trở thành điểm nhấn trong việc thu hút khách du lịch tại các địa phương này.

    Tại huyện Hàm Yên, điểm nhấn trong những ngày đầu năm mới là 2 lễ hội Động Tiên - Chợ quê và Hội chợ Thụt. 2 lễ hội này đã góp phần thu hút hàng chục nghìn lượt khách du lịch đến với địa phương. Anh Đỗ Hữu Ước, Chủ tịch UBND xã Phù Lưu cho biết, Hội chợ Thụt truyền thống mỗi năm chỉ họp một phiên vào ngày 2-2 âm lịch. Chợ nằm gần bến đò Họng Thụt của sông Lô, mang nét đặc trưng giống như chợ tình Khâu Vai của huyện Mèo Vạc (Hà Giang) và chợ Viềng, Nam Định (mua may, bán rủi)... Từ năm 2014, bên cạnh việc tổ chức lễ hội chợ Thụt, Phù Lưu phục dựng lại hội chọi ngựa. Theo anh Ước, là một xã được coi là vùng cam trọng điểm của huyện Hàm Yên, con ngựa đã trở thành vật nuôi hết sức gần gũi, đồng thời là phương tiện cần thiết góp phần tích cực vào việc vận chuyển vật tư và vận chuyển cam mỗi vụ thu hoạch. Thông qua hội chọi ngựa nhằm tôn vinh con vật đã luôn gần gũi, hữu dụng đối với các hộ gia đình nông dân, đồng thời cũng là dịp chọn lọc giống ngựa tốt để tiếp tục khích lệ việc phát triển đàn ngựa trên địa bàn, đồng thời thúc đẩy phát triển và quảng bá về tiềm năng du lịch của địa phương.

    Mùa lễ hội đang tới gần, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch đang tập trung xây dựng chiến lược hợp lý trong việc đầu tư cho các lễ hội, trong đó trọng tâm là không đầu tư dàn trải, mà chọn lọc một số lễ hội đặc sắc, ấn tượng để từ đó xây dựng thành sản phẩm “đinh” và đưa ra chiến lược quảng bá phù hợp. Ngành phối hợp với các địa phương xây dựng kế hoạch chi tiết, cụ thể và nội dung kịch bản phù hợp gắn với chủ đề riêng của từng lễ hội, phục hồi các trò chơi dân gian gắn với truyền thống của mỗi vùng miền, mang đặc trưng của từng dân tộc. Đồng thời khuyến khích, kêu gọi các tổ chức, cá nhân đầu tư tôn tạo các di tích và tham gia hoạt động tổ chức lễ hội để hướng đồng bào về với cội nguồn, tổ tiên. 

Theo TQĐT


Bài viết liên quan