Lễ hội Thành Tuyên. Ảnh TQĐT
Đây là Lễ hội Trung thu đặc sắc, độc đáo và riêng có của Tuyên Quang với việc xác lập các kỷ lục Guiness: “Đêm hội có nhiều mô hình đèn Trung thu độc đáo và lớn nhất Việt Nam”, “Mâm cỗ Trung thu lớn nhất Việt Nam”, “Cặp đèn lồng lớn nhất Việt Nam”.
Năm nay, Lễ hội Thành Tuyên sẽ diễn ra vào dịp tỉnh Tuyên Quang đăng cai tổ chức Ngày hội Văn hóa dân tộc Dao toàn quốc lần thứ nhất.
Theo Kế hoạch, Ngày hội và Lễ hội diễn ra chính thức trong 02 ngày (ngày 29 và ngày 30/9/2017) tại thành phố Tuyên Quang với sự tham gia của 12 tỉnh, thành phố: Tuyên Quang, Hà Giang, Cao Bằng, Bắc Kạn, Thái Nguyên, Sơn La, Lai Châu, Phú Thọ, Vĩnh Phúc, Hà Nội, Quảng Ninh, Thanh Hóa và một số đoàn đại biểu quốc tế, các địa phương, đại sứ quán các nước: Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc và các nước ASEAN; các tổ chức quốc tế; một số tổ chức phi chính phủ nước ngoài tại Việt Nam có quan hệ hợp tác với tỉnh.
Ngày hội văn hóa dân tộc Dao toàn quốc lần thứ nhất năm 2017 nhằm tôn vinh, bảo tồn, phát huy những giá trị văn hóa, nghệ thuật của dân tộc Dao của tỉnh Tuyên Quang nói riêng và cả nước nói chung, góp phần tiếp tục triển khai thực hiện Nghị quyết Hội nghị lần thứ 9 Ban Chấp hành Trung ương (Khóa XI) về “Xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước”.
Lễ hội Thành Tuyên năm 2017 là dịp để giới thiệu với nhân dân trong nước và quốc tế về hình ảnh miền đất, con người và các giá trị di sản văn hóa của Tuyên Quang, đặc biệt là những giá trị đặc sắc về lịch sử, văn hóa của quê hương cách mạng, Thủ đô khu giải phóng - Thủ đô kháng chiến; trọng tâm là từng bước xây dựng Lễ hội Thành Tuyên trở thành sản phẩm du lịch mang tầm thương hiệu quốc gia và khu vực, góp phần thúc đẩy du lịch của tỉnh ngày càng phát triển và thực hiện có hiệu quả Chỉ thị số 15-CTr/TU ngày 27/6/2017 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết số 08-NQ/TW ngày 16/01/2017 của Bộ Chính trị về phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn.
Chỉ còn 11 ngày nữa Ngày hội và Lễ hội sẽ chính thức diễn ra. Tính đến thời điểm này, các cơ quan, ban ngành, địa phương đã cơ bản hoàn tất công tác chuẩn bị Ngày hội và Lễ hội. UBND thành phố Tuyên Quang đã tiến hành khảo sát, lựa chọn 2 mô hình đèn Trung thu tham gia diễn diễu tại không gian đi bộ Hồ Hoàn Kiếm (Hà Nội) phục vụ họp báo giới thiệu tại Hà Nội; vận động được 70 tổ dân phố tham gia thi mô hình đèn Trung thu. Hoạt động xã hội hóa ủng hộ nguồn lực từ các đơn vị, doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh cũng đang được thực hiện. Các sở, ngành, đơn vị liên quan triển khai tuyên truyền, bảo vệ, phục vụ Ngày hội và Lễ hội theo kế hoạch.
Với sự chuẩn bị tích cực, chu đáo của các cấp, ngành; sự chung tay, góp sức ủng hộ các tổ chức, cá nhân trong, ngoài tỉnh và trên hết là sự đồng lòng, nhất trí, tự nguyện tham gia của các tầng lớp nhân dân, chúng ta tin tưởng Ngày hội và Lễ hội sẽ diễn ra thành công tốt đẹp. Đây là dịp để tuyên truyền, giới thiệu, quảng bá về truyền thống văn hóa, lịch sử, tiềm năng du lịch; hình ảnh đất và người Tuyên Quang - “Thủ đô Khu giải phóng, Thủ đô Kháng chiến” tới bạn bè trong nước và quốc tế.
Theo TQĐT