Hồng Thái điểm hẹn 4 mùa

Ngoài lòng hồ, huyện vùng cao Na Hang xác định xã Hồng Thái là trọng điểm du lịch của huyện. Bằng nguồn vốn ưu tiên phát triển du lịch của Chính phủ, xã Hồng Thái được đầu tư 49 tỷ đồng mở đường lớn đến các thôn và từ các thôn đến các điểm du lịch tiềm năng. Hiện nay, các đơn vị thi công đang tập trung nhân lực, máy móc, tranh thủ thời tiết thuận lợi đẩy nhanh tiến độ thi công, phấn đấu đến cuối năm 2018 hoàn thành các tuyến đường, tạo đà khơi dậy thế mạnh du lịch của xã phát triển.

     Đánh thức tiềm năng du lịch

    Cách thị trấn huyện lỵ gần 50 km, xã vùng cao Hồng Thái nằm chon von trên các đỉnh núi cao quanh năm mây phủ. Đến Hồng Thái mùa này du khách ngỡ ngàng trước vẻ đẹp của ruộng bậc thang thôn Khau Tràng. Từng dải sóng lúa óng vàng uốn lượn bên sườn non đã làm mê hoặc lòng người. Phóng tầm mắt xa xa, vượt đỉnh núi cao bên kia là các xã Cổ Linh, Công Bằng, Cao Tân, huyện Pắc Nậm, tỉnh Bắc Kạn. Đứng ở địa danh có độ cao 1.287 m so với mặt nước biển, du khách đã có cảm giác lâng lâng như con người, thiên nhiên hòa vào đất trời bao la. Hồng Thái thật sự được ví như Sapa của Lào Cai - nơi hội tụ “đất - trời - người”.

Ruộng bậc thang Khau Tràng.

    Dẫn chúng tôi đi tham quan các thôn, ông Đặng Đức Toàn, dân tộc Dao, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch HĐND xã Hồng Thái phấn khởi cho biết, chỉ nay mai thôi, các tuyến đường trong xã sẽ được trải bê tông. Hình hài về con đường du lịch đang hiện rõ trong mắt người dân. Ông bảo, xã rộng trên 1.600 ha, nhưng chỉ có 312 hộ với 1.564 nhân khẩu, chủ yếu đồng bào Dao, Mông sinh sống ở 7 thôn. Tuy dân ít hơn các xã khác trong vùng, nhưng bà con ở khá tập trung thành làng bản với bản sắc văn hóa, phong tục tập quán, tín ngưỡng vô cùng phong phú. Một thuận lợi nữa của Hồng Thái là chỉ cách các xã Yên Hoa, Đà Vị - trung tâm kinh tế khu C của huyện khoảng 9 đến hơn 10 km.

    Ngắm nhìn các dãy núi cao, nhất là vào buổi sáng mây giăng kín đỉnh Đán Khánh, Sam Kha, Ma An Bò, Ki Trang. Mây còn sà xuống thung lũng nơi có các bản người Dao, người Mông sinh sống quần tụ. Với lưu vực dốc lớn, con suối bắt nguồn từ thôn Khuổi Phầy qua địa bàn xã lúc nào cũng tung bọt trắng xóa chảy đổ ra sông Năng, rồi xuống lòng Hồ sinh thái Na Hang. Nhiệt độ trung bình ở Hồng Thái chỉ khoảng 20 độ C, lượng mưa 2.000 mm/năm. Thổ nhưỡng, khí hậu ở đây thuận lợi cho chăn nuôi đại gia súc, gia cầm, trồng trọt. Đặc biệt cho những cây trồng cận ôn đới như chè Shan, lê, hồng, mận, rau su su, bắp cải, rau đậu.

    Theo các cụ cao niên trong làng kể lại, Hồng Thái xưa kia thuộc tổng Côn Lôn. Trước năm 1945, phong trào cách mạng tràn từ Cao Bằng, Bắc Kạn về Hồng Thái rất mạnh mẽ. Năm 1960, Hồng Thái đã có chi bộ Đảng đầu tiên do người dân tộc thiểu số Dao, Mông lãnh đạo. Ngày nay, Đảng bộ xã đã tập trung những người ưu tú, nhiệt huyết nhất để lãnh đạo nhân dân phát triển kinh tế, xã hội, bảo đảm an ninh, quốc phòng. Trong đó, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ xã lần thứ X, nhiệm kỳ 2015 - 2020 đã chỉ rõ: Tập trung mọi nguồn lực cho phát triển du lịch. Trước mắt gắn xây dựng nông thôn mới với quy hoạch làng văn hóa du lịch thôn Khau Tràng.

    Điểm hẹn du lịch hấp dẫn

    Không biết từ bao giờ con người, phong cảnh Hồng Thái đã mê hoặc bước chân du khách. Cứ đến mùa hoa lê, mùa con nước đổ, mùa lúa chín... những nhiếp ảnh gia trong và ngoài tỉnh lại vất vả lặn lội hàng trăm km đến với Hồng Thái. Nhiếp ảnh gia Tùng Duy (Hà Nội) cho rằng, nghệ sỹ nhiếp ảnh chính là những người tiên phong đưa phong cảnh, con người Hồng Thái đến với cộng đồng. Từ đó kéo theo hàng đoàn “phượt thủ” đi du lịch khám phá trải nghiệm ở vùng non cao này. Chúng tôi thấy du lịch cộng đồng homestay ở Hồng Thái đã bắt đầu manh nha hình thành. Vào buổi tối khách chia thành từng tốp ngủ trong nhà dân. Trước kia tìm một quán quanh trung tâm xã cũng khó, nay đã có nhiều quán mọc lên, phục vụ nhu cầu của du khách.

    Những ngày mùa lúa chín, trời đẹp, xã Hồng Thái cũng đón vài chục khách ở xa đến tham quan, nghỉ homestay. Quán anh Ma Công Hưng, thôn Khau Tràng hôm nay được thực khách đặt làm 3 mâm cơm với nhiều món ăn dân tộc thiểu số. Anh Hưng chia sẻ, mình sinh năm 1989, dân tộc Tày, quê xã Minh Quang (Chiêm Hóa), khi lên đây làm xây dựng đã bén duyên với thiếu nữ người địa phương. Thấy hướng du lịch ở đây phát triển, hai vợ chồng bàn nhau mở quán ăn mang bản sắc dân tộc, xây 3 phòng trọ cho khách thuê giá rẻ 40 nghìn đồng/ngày đêm. Việc kinh doanh của gia đình ngày càng thuận lợi, khi lượng khách càng ngày càng đông.

Anh Triệu Văn Lành (bên trái), thôn Nà Mu giới thiệu về 50 cây lê đặc sản của gia đình.

    Cũng giống như anh Hưng, anh Lý Văn Kinh, người Dao Tiền, huyện Ba Bể lấy chị Đàng Thị Hiện ở thôn Khau Tràng. Nhận thấy vùng đất này nhiều tiềm năng du lịch, anh chị đã vay mượn thêm tiền xây một ngôi nhà nghỉ trị giá hơn 1 tỷ đồng vào thời điểm năm 2015. Ngoài kinh doanh dịch vụ ăn uống, giải khát, gia đình anh chị cho thuê 120 nghìn đồng/phòng/ngày đêm. Ở xã, phòng nghỉ không cần mắc điều hòa, khí trời đã làm du khách sảng khoái rồi. Mới đây những hộ có khả năng phát triển nhà hàng ăn uống, nhà nghỉ homestay ở địa phương như anh Hưng, anh Kinh được huyện mời ra tập huấn, tăng tính bài bản, chuyên nghiệp trong hoạt động du lịch nhằm nâng cao chất lượng phục vụ du khách.

    Hồng Thái không những có khí hậu mát mẻ, phong cảnh đẹp mà còn có nhiều sản vật du lịch nổi trội. Ông Bàn Tiến Sỹ, Chủ tịch UBND xã khẳng định, trên địa bàn có trên 60 ha chè Shan. Chè của bà con thu hái đến đâu được Tổ hợp tác xã sản xuất chế biến chè Sơn Trà, thôn Khau Tràng thu mua chế biến tới đó. Giá được bán ra thị trường từ 160 -180 nghìn đồng/kg, được khách hàng ưa chuộng tin dùng. Hiện địa phương cũng có 26 ha cây lê đặc sản. Cùng lễ hội Mù Nà của người Mông thôn Khuổi Phầy, huyện Na Hang đang xây dựng kế hoạch tổ chức Lễ hội hoa lê tháng Giêng lần thứ nhất vào đầu năm 2018. Song song là việc khôi phục chợ phiên ở các thôn, tạo ra nét bản sắc riêng vùng cao. Một số doanh nghiệp ngoài tỉnh đã mạnh dạn lên Hồng Thái đầu tư như Công ty cổ phần Đất hiến toàn cầu (Quảng Ninh) đang trồng thử nghiệm 8 ha rau bắp cải, su su cho kết quả tốt. 

    Để du lịch Hồng Thái có điểm nhấn, Ban quản lý Khu du lịch sinh Thái Na Hang đã có quy hoạch tổng thể và chi tiết. Lãnh đạo huyện Na Hang nhiều lần trực tiếp lên xã khảo sát, đánh giá, đưa ra những chỉ đạo sát với tình hình. Trên các tuyến đường mới mở, hơn 100 cây hoa anh đào đã được trồng. Hoa cải vàng, hoa tam giác mạch sẽ được xã chỉ đạo các thôn trồng thành những vạt lớn, tạo ra vùng phong cảnh tuyệt đẹp. Trước mắt, xã đang khẩn trương thành lập, xây dựng Câu lạc bộ hát Páo dung của người Dao thôn Khau Tràng để phục vụ khách du lịch. Khau Tràng được xem là trung tâm du lịch của xã, nhưng 6 thôn còn lại gồm: Nà Kiếm, Bản Muông, Hồng Ba, Nà Mụ, Pác Khoang, Khuổi Phầy đều là những điểm du lịch cộng đồng hấp dẫn.

    Rời Hồng Thái trong tiếng máy xúc đang khẩn trương ủi đường, tôi mường tượng ra một viễn cảnh không xa, du lịch Hồng Thái sẽ cất cánh. Điểm hẹn du lịch bốn mùa này chắc chắn sẽ trở thành tua du lịch không thể bỏ qua của du khách thập phương.

Theo TQĐT


Bài viết liên quan