Độc đáo lễ mừng thọ của người Dao đỏ

Đồng bào người Dao đỏ ở thôn Gốc Mít, xã Tân Thành, huyện Hàm Yên còn lưu giữ những nét độc đáo, nguyên sơ của lễ mừng thọ của dân tộc mình.

 Điều đặc biệt ở lễ mừng thọ của người Dao đỏ chính là các nghi lễ cầu an, những bài học về sự biết ơn đối với tổ tiên, khuyên bảo con cháu sống giàu nghĩa tình, nhân ái và biết quan tâm, giúp đỡ những người chung quanh.
 


Trích đoạn Nghi lễ mừng thọ của người Dao đỏ thôn Gốc mít, xã Tân Thành (Hàm Yên)
 biểu diễn tại Liên hoan Văn hóa dân tộc Dao toàn quốc lần thứ nhất.

 

Theo quan niệm của người Dao, con người tồn tại với phần xác và phần hồn. PHần hồn được gọi là chỉu vần. Từ tuổi 49 trở đi, các chỉu vần như cái cây trên rừng bị gió làm cho vơi đi, bản mệnh cũng bị mục bớt. Vì thế, lễ mừng thọ là để thầy cúng đi tìm lại chỉu vần, làm cho người được mừng thọ sống khỏe, tránh được bệnh tật, tai ương.

Lễ mừng thọ được tổ chức vào ngày sinh của người được mừng thọ. Đàn cúng được làm ngoài trời, ngay trước sân nhà. Gia chủ phải chuẩn bị 1 cầu giải hạn làm bằng giấy, vải và cành tre, một con gà sống, 1 con gà đã luộc chín, một khổ thịt lợi, hai chai rượu, gạo nếp, 7 cây đèn và giá gỗ 3 cấp.

Buổi lễ sẽ có hai thầy cúng thực hiện, một người được gọi là “thầy gốc” chăm lo và hướng dẫn người nhà chuẩn bị các phần lễ, người kia là “thầy ngọn” trực tiếp làm chủ lễ, cúng mời Ngọc Hoàng, thần linh và sai khiến âm binh đi tìm “chỉu vần”, giải hạn cho gia chủ.

Ông thầy ngọn trình báo lên tổ tiên gia chủ, các vị thần về lí do buổi lễ. Sau đó, một người trong gia đình đi lên rót rượu, thắp hương vái lạy. Hành động này kết thúc việc trình báo, đã mời được tổ tiên về chứng giám cho buổi lễ.

 


Các bài văn khấn cổ của người Dao không thể thiếu sự hòa âm của các nhạc cụ truyền thống.

Buổi lễ chính thức được bắt đầu bằng lễ giải hạn. Thầy cúng khấn bằng những bài văn khấn cổ của người Dao, đôi khi hát mang ý nghĩa tập hợp binh mã, chép lễ và hành trình dâng lên thiên đình gặp Ngọc Hoàng. Sau khi nhận được lời tấu, Ngọc Hoàng đồng ý xuống hạ giới với tổ tiên gia chủ để chứng giám cho buổi lễ. Các quan binh, hòa mã hóa thân thành con diều hâu, con hổ, con ngựa và con rồng đến để giúp thầy cúng đi tìm chỉu vần của gia chủ về. Con diều đi tìm ở không trung, con hổ đi tìm trong rừng, con ngựa đi tìm trên đường và con rồng đi tìm dưới nước.

Sau khi đã gọi và giao nhiệm vụ cho các quan binh, hòa mã xong thì thầy cúng quăng gạo cho 72 âm binh lên đường cùng với các quan binh, hào mã tụ hồn vía cho người được mừng thọ và mừng thọ.

Người dắt, người che ô đi cùng người được giải hạn ngồi ở vị trí trung tâm của buổi lễ để tụ hợp lại hồn vía. Thầy cúng cùng với quan binh, hòa mã tụ hợ lại hồn vía của người được giải hạn, mừng thọ. Thầy cúng quyết để không có một thế lực nào có thể lấy đi hồn vía của người được mừng thọ nữa.

Sau khi nghi lễ giải hạn được hoàn thành, thầy cúng tiếp tục làm Lễ mừng thọ với nghi lễ rước đèn, mục đích rước đèn để nâng cao hào quang, ánh sáng, lục mạch của người được giải hạn và mừng thọ lên cao tránh xa tà quái, để sống lâu, sống khỏe, sống trường thọ.

 


Người được mừng thọ làm lễ trước cầu giải hạn.

Phía trung tâm của buổi lễ là chiếc cầu giải hạn, mừng thọ được bố trí một tấm vải trắng trên cầu tượng trưng cho mạch nối từ hạ giới lên thiên đình. Trên cầu giải hạn có 8 trụ cột, mỗi trụ cột là 8 cây tre tượng trưng cho các gốc mầm của sự sống để người mừng thọ được sống lâu, sống khỏe. Bên đầu cầu là con gà thiến, theo quan niệm của người Dao đỏ tỉnh Tuyên Quang thì con gà mang ý nghĩa đặc biệt, nó sẽ báo tất cả các vận hạn cho gia chủ khi cất tiếng gáy và mang lại những điều may mắn cho gia chủ.

“Chỉu vần” của gia chủ được các quan binh hòa mã dẫn qua cầu giải hạn để xua tan và ngăn chặn các vận hạn xấu theo đuổi, mang lại điều may mắn cho nguoiwf được mừng thọ. Kết thúc Lễ mừng thọ, mọi người cùng nhau đi qua cầu giải hạn để được Ngọc Hoàng ban cho sức khỏe, cuộc sống ấm no, hạnh phúc.
Mừng thọ cho người cao tuổi của người Dao ở thôn Gốc mít, xã Tân Thành (Hàm Yên) là một truyền thống có từ lâu đời, việc mừng thọ không chỉ thể hiện quan niệm về tâm linh, về lòng kính trọng đối với ông bà, cha mẹ mà còn là lúc để con cháu nhìn lại mình đã làm được gì để ông bà, cha mẹ tự hào lấy đó làm niềm vui sống lâu, sống khỏe với con cháu.

Bài viết liên quan