Độc đáo phong tục dựng nhà sàn của người Tày Tây Bắc

Sự độc đáo của phong tục in sâu vào từng nếp lá, từng họa tiết, từng chiếc cột và cách thiết kế căn nhà.

    Đến các bản Tày ở vùng Tây Bắc, quan sát những căn nhà sàn cổ hiện nay còn lại đều ghi dấu những tập quán theo quan niệm của đồng bào nơi đây.

    Trước khi dựng nhà, người Tày Tây Bắc thường chọn đất và chọn hướng nhà. Đây là việc làm rất quan trọng được đồng bào làm rất chu đáo và cẩn thận. Để công việc này được tốt, người Tày thường mời các thầy địa lý giỏi xem hướng nhà trong vùng về cắm đất và cắm hướng.

    Khi được mời về, thầy địa lý đi vòng quanh quả đồi hay trái núi nơi chủ nhà định dựng nhà sàn rồi sau đó mới cắm mốc.

Những ngôi nhà sàn cổ vùng Tây Bắc quần tụ dưới chân núi.

    Người Tày vùng Tây Bắc thường dựng nhà sàn ở sườn núi hoặc lưng đồi, ít khi dựng ở bãi đất thấp. Bởi theo quan niệm của họ, ở trên cao sẽ thoáng mát, phía trước sẽ nhìn được ra xa, tránh được lụt lội và lưng tựa vào núi vững chắc. Còn hướng nhà thường chọn nhìn ra suối. Bởi suối gắn liền với cuộc sống sinh hoạt của người dân nơi đây. Chính vì vậy, những căn nhà sàn cổ ở Tây Bắc hiện nay có địa thế hết sức đẹp, vững chãi, sơn thủy hữu tình.

    Để dựng được một căn nhà sàn như ý, phù hợp với địa hình và quan niệm của dòng tộc, người Tày đặc biệt quan tâm tới việc chọn nguyên vật liệu như gỗ, đá, lá cọ để làm nhà. Việc chọn lựa này diễn ra trong thời gian dài, có khi mấy tháng hoặc có khi đến một hai năm mới chọn và chuẩn bị xong.

    Người Tày Tây Bắc thường chọn những loại gỗ quý, gỗ lâu năm từ các cây gỗ cổ thụ trên núi cao về làm cột nhà. Có khi có những căn nhà sàn to rộng được làm từ thân của một cây gỗ to. Những loại gỗ như đinh, lim, dổi, sến…khá phong phú ở núi rừng Tây Bắc nên từ xa xưa đã được đồng bào chọn lọc. Đá chọn những viên đá xanh vuông hoặc tròn để làm đế cho các chân cột nhằm tránh mối mọt, tạo thế đẹp cho cột nhà. Lá cọ phải là những tàu lá lành, to bản và vừa chớm già để có độ dẻo dai khi gặp nắng mưa.

Bếp lửa được đặt ở gian chính giữa ngôi nhà, đây là bếp chính dùng để tiếp khách và là nơi
giữ lửa cho tất cả các bếp khác cũng như sưởi ấm cho cả gia đình.

    Tiếp đó là thủ tục rất quan trọng của việc dựng nhà mà người Tày Tây Bắc không thể bỏ được đó là lễ cúng ma tổ. Tức là cúng tổ tiên trong dòng họ và gia đình. Nếu là nhà cũ đã ở thì cúng ma tổ để xin phép dỡ nhà cũ, nhà nhỏ để dựng nhà to. Còn nếu là nhà dựng trên nền đất mới thì người Tày cúng để xin phép thần linh, xin phép tổ tiên được thiết lập gia đình mới với căn nhà mới. Người đứng ra cúng lễ là trưởng họ.

    Nghi lễ này hết sức thiêng liêng được tổ chức cùng ngày dựng căn nhà sàn. Lễ nghi gồm xôi gà, đèn dầu, rượu, trầu cau, muối, tiền vàng, ấm nước chè, thuốc lào, hương trầm và một chiếc nón. Nón được treo lên ngôi nhà tạm hoặc trên một cái cột dựng sẵn. Hương đốt phải cắm trên chiếc nón. Phía dưới là xôi gà, trầu cau, thuốc lào, chiếc đèn dầu, một chén hay một chai rượu cùng với chén nước chè đã pha. Sau khi báo cáo ma tổ, trưởng họ sẽ tuyên bố bắt đầu dỡ nhà cũ và dựng nhà mới.

Những mái nhà sàn truyền thống ở bản Tày vùng Tây Bắc tựa lưng vào núi tạo nên thế vững chãi.

    Trong thời gian dỡ nhà và dựng nhà, hương đốt trên chiếc nón sẽ không bao giờ ngừng khói. Hương theo quan niệm của đồng bào nơi đây là vật hết sức thiêng liêng là sự kết nối giữa người sống và người đã khuất. Nếu hương tắt, tức là mối liên hệ giữa người sống và người đã mất bị dập tắt. Ma tổ không chứng kiến được việc làm của con cháu thì ngôi nhà coi như không có linh hồn, sẽ không may mắn và vững chãi, gia đình sống không được yên ổn và hạnh phúc.

    Trong quá trình dỡ nhà và dựng nhà, đông đảo anh em con cháu trong dòng họ cùng súm lại cùng làm. Bởi theo họ có như thế mới khơi dậy được tinh thần đoàn kết, ngôi nhà sẽ nhận được nhiều sức mạnh, nhiều may mắn. Xong việc, cả dòng họ cùng ngồi ăn cơm quanh bếp lửa để mừng nhà mới.

Nhà sàn của đồng bào Tày Tây Bắc hiện nay vẫn giữ được cách thiết kế truyền thống.

    Vào các ngày dựng nhà liên tiếp, gia chủ làm cơm tại bếp tạm với những món ăn truyền thống và không quên mổ những con vật khác nhau như lợn cắp nách, vịt, gà để thết đãi người làm giúp. Theo họ, sự phong phú về món ăn tại các bữa ăn hằng ngày sẽ mang đến sự thịnh vượng tươi tốt cho cuộc sống sau này của họ. Vào ngày dựng khung nhà, người Tày Tây Bắc coi đây là ngày đặc biệt quan trọng và thiêng liêng. Ngày đó nếu có mưa thì sẽ tốt và may mắn.

    Sau khi khung nhà được lắp sẵn, đông đảo người trong dòng họ và người ngoài làm giúp tập trung từ sáng sớm sau đó từng nhóm người ở từng vị trí khác nhau của căn nhà để cùng nhau nâng, kéo khung nhà lên theo tiếng hô của ông trưởng họ. Ở thao tác này, người Tày quan niệm phải nâng lên một lần là được cả khung chứ kiêng nâng đến lưng chừng vì nặng quá lại hạ xuống.

    Những phong tục khi dựng nhà sàn của người Tày Tây Bắc được đúc kết và truyền lại từ bao đời nay. Về Tây Bắc hôm nay, thấp thoáng bên những dòng suối mát lành là những “di sản” nhà sàn cổ độc đáo của đồng bào nơi đây. Sự ấm cúng và nét nhân văn trong phong tục dựng nhà của đồng bào Tày đã làm cho cuộc sống nơi đây thêm thanh bình và giàu sắc màu văn hóa./.

Theo VOV.vn


Bài viết liên quan