Lễ hội đền Hạ, đền Thượng, đền Ỷ La trở thành Di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia

Tuyenquang.gov.vn: Ngày 28/3, UBND thành phố Tuyên Quang long trọng tổ chức Lễ đón bằng công nhận Di sản văn hóa phi vật thể cấp Quốc gia đối với Lễ hội đền Hạ, đền Thượng, đền Ỷ La và khai mạc Lễ hội đền Hạ, đền Thượng, đền Ỷ La năm 2018.

 



Lễ hội rước Mẫu đền Hạ, đền Thượng, đền Ỷ La ra đời và tồn tại từ lâu đời gắn liền với tín ngưỡng thờ Mẫu.

Đến dự buổi lễ có đồng chí Nguyễn Sáng Vang, nguyên Ủy viên BCH Trung ương Đảng, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương, nguyên Bí thư Tỉnh ủy, nguyên Chủ tịch HĐND tỉnh; đồng chí Nông Quốc Thành, Phó Cục trưởng Cục Di sản văn hóa, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch; đồng chí Nguyễn Hải Anh, Ủy viên BCH Đảng bộ tỉnh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh; cùng các đồng chí nguyên là lãnh đạo tỉnh, các đồng chí Ủy viên BCH Đảng bộ tỉnh, lãnh đạo các ban Đảng Tỉnh ủy, các sở, ban ngành của tỉnh; lãnh đạo UBND các huyện, thành phố và đông đảo nhân dân, du khách thập phương.
 


Các đại biểu tham dự buổi lễ.

Đền Hạ, đền Thượng, đền Ỷ La là những công trình kiến trúc cổ, vừa có giá trị cao về nghệ thuật kiến trúc vừa có sự linh thiêng của tín ngưỡng thờ Mẫu -  một nét đẹp tâm linh trong văn hóa tín ngưỡng của người Việt. Đền Hạ, đền Thượng, đền Ỷ La là 3 trong 5 di tích của thành phố Tuyên Quang được nhà nước xếp hạng di tích lịch sử - văn hóa cấp Quốc gia. Lễ hội đền Hạ, đền Thượng, đền Ỷ La được nhân dân thành phố khôi phục từ năm 2007.
 


Đồng chí Nông Quốc Thành, Phó Cục trưởng Cục Di sản văn hóa, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
trao Bằng công nhận Di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia đối với đền Hạ, đền Thượng,
 đền Ỷ La cho lãnh đạo Thành phố Tuyên Quang.

Theo sách Đại Nam nhất thống chí, truyền thuyết dân gian kể lại rằng: Xưa có hai nàng công chúa con vua Hùng là Phương Dung (tức Quỳnh Hoa công chúa) và Ngọc Lân (tức Mai Hoa công chúa), một hôm theo xa giá đi xem xét địa phương, đỗ thuyền ở bờ sông Lô (thuộc thôn Hiệp Thuận). Đến đêm nổi cơn mưa gió, hai công chúa vụt bay lên trời, người dân cho là linh dị, lập đền để thờ. Đền thờ Phương Dung công chúa ở phía hữu sông Lô thuộc địa phận xã Ỷ La (tức là đền Hạ ngày nay). Đền thờ Ngọc Lân công chúa ở phía tả sông Lô thuộc xã Tình Húc (tức là đền Thượng ngày nay). Trải qua thời gian cùng với biến thiên thăng trầm của lịch sử, do gặp nạn binh đao đền Hạ bị đốt phá nghiêm trọng, dân cư phải rước tượng thần đến làng Ỷ La để lánh nạn. Năm 1817, Khải Định thứ 3, khởi công dựng lại Đền Hạ trên địa điểm cũ nhưng quy mô lớn hơn. Khi đó tại địa điểm tượng thần đền Hạ lánh nạn dân làng Ỷ La cũng xây dựng đền Ỷ La để thờ công chúa Phương Dung. Sự hình thành Đền Mẫu Ỷ La bắt nguồn từ Đền Hạ, hai ngôi đền cùng thờ công chúa Phương Dung người đã hóa thân thành Mẫu Thượng Thiên.
 


Các đồng chí đại biểu thắp hương tại buổi lễ.
 
Phát biểu tại buổi lễ, đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Hải Anh đã biểu dương và chúc mừng Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc TP Tuyên Quang, nhất là nhân dân phường Tân Quang, xã Tràng Đà và phường Ỷ La đã có những cố gắng, kiên trì, sáng tạo, bảo tồn Lễ hội đền Hạ, đền Thượng và đền Ỷ La, duy trì và nuôi dưỡng dòng chảy trong đời sống tâm linh và những giá trị linh thiêng từ bao đời nay của người dân xứ Tuyên. Đồng chí cũng đề nghị, các ủy, chính quyền và nhân dân TP Tuyên Quang tiếp tục có thêm nhiều giải pháp sáng tạo, hiệu quả hơn nữa trong công tác giữ gìn, bảo tồn và phát huy giá trị các di sản văn hóa trên địa bàn thành phố, đẩy mạnh công tác xã hội hóa, động viên toàn thể nhân dân tích cực tham gia bảo vệ và phát huy di sản; tăng cường công tác tuyên truyền, quảng bá trên các kênh thông tin của trung ương, của tỉnh, thành phố nhằm giới thiệu với du khách thập phương về giá trị chân, thiện mỹ, đáp ứng nhu cầu hưởng thụ văn hóa tinh thần của nhân dân, thu hút ngày càng nhiều du khách trong và ngoài nước đến với TP Tuyên Quang.

Lễ hội năm nay được tổ chức trong 6 ngày (từ ngày 26/3 đến ngày 1/4, tức từ ngày 10/2 đến 16/2 âm lịch). Trong khuôn khổ lễ hội có các hoạt động đặc sắc như lễ tế và rước Mẫu từ đền Ỷ La, đề Thượng về đền Hạ; thi đấu thể thao, các trò chơi dân gian; liên hoan văn hóa tín ngưỡng thờ Mẫu năm 2018 tại đền Ỷ La.
 

Bài viết liên quan