Chuẩn bị Lễ hội ruộng bậc thang Hồng Thái

Huyện Na Hang đã xây dựng kế hoạch tổ chức Lễ hội ruộng bậc thang Hồng Thái vào cuối tháng 9-2018. Đây là Lễ hội được tổ chức trong chuỗi sự kiện Ngày hội Văn hóa du lịch vùng cao Na Hang lần thứ nhất. Như vậy, điểm nhấn “ruộng bậc thang Hồng Thái” sẽ tạo ra một cú huých cho du lịch của huyện phát triển, thu hút được nhiều du khách thập phương.

 

Vào mùa lúa chín ở Hồng Thái, từng dải sóng vàng uốn lượn trên non cao.

Ngoài lòng hồ thủy điện, huyện xác định xã Hồng Thái là trọng điểm du lịch của huyện. Cách thị trấn huyện lỵ gần 50 km, xã vùng cao Hồng Thái nằm chon von trên các đỉnh núi cao quanh năm mây phủ. Đến Hồng Thái vào khoảng cuối tháng 9, du khách ngỡ ngàng trước vẻ đẹp của ruộng bậc thang thôn Khau Tràng, Nà Kiếm, Bản Muông, Hồng Ba, Nà Mụ, Pác Khoang, Khuổi Phầy.

Từng dải sóng lúa óng vàng uốn lượn bên sườn non làm mê hoặc lòng người. Du khách phóng tầm mắt xa xa, vượt đỉnh núi cao bên kia là các xã Cổ Linh, Công Bằng, Cao Tân, huyện Pắc Nậm của tỉnh Bắc Kạn. Đứng ở địa danh có độ cao 1.287 m so với mặt nước biển, ai cũng có cảm giác lâng lâng như con người, thiên nhiên hòa vào đất trời bao la.

Ông Đặng Đức Toàn, dân tộc Dao, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch HĐND xã Hồng Thái phấn khởi cho biết, xã rộng trên 1.600 ha, nhưng chỉ có 312 hộ với 1.564 nhân khẩu, chủ yếu đồng bào Dao, Mông sinh sống ở 7 thôn. Tuy số dân ít hơn các xã khác trong vùng, nhưng bà con ở khá tập trung thành làng bản với bản sắc văn hóa, phong tục tập quán, tín ngưỡng rất phong phú. Một thuận lợi nữa của xã là chỉ cách các xã Yên Hoa, Đà Vị - trung tâm kinh tế khu C của huyện khoảng 9 đến hơn 10 km.

Anh Triệu Văn Lành (bên phải), dân tộc Dao, thôn Nà Mu giới thiệu về lê đặc sản của gia đình.

Xã có trên 60 ha chè Shan, 26 ha cây lê đặc sản và nhiều loại rau xứ lạnh khác. Hiện nay, xã đang chuẩn bị những điều kiện tốt nhất để đón du khách đến với Lễ hội ruộng bậc thang Hồng Thái. Cán bộ xã đang đi rà soát các hộ có đủ điều kiện cho khách ở homestay, tuyên truyền bà con giữ gìn cảnh quan, môi trường sạch đẹp. Trong lễ hội dự kiến sẽ có các hoạt động như: Văn nghệ quần chúng, thi xe đạp tay ngang, thi hái lê, hái chè Shan…

Ngắm nhìn các dãy núi cao, nhất là vào buổi sáng mây giăng kín, mây sà xuống thung lũng nơi có các bản người Dao, người Mông sinh sống quần tụ. Không biết từ bao giờ con người, phong cảnh Hồng Thái đã mê hoặc bước chân du khách. Cứ đến mùa lúa chín, những nhiếp ảnh gia, khách du lịch trong và ngoài tỉnh lại vất vả lặn lội hàng trăm km đến với phong cảnh ruộng bậc thang Hồng Thái.

Nghệ sỹ Nhiếp ảnh Hà Thế Đô, Hội Văn học - Nghệ thuật tỉnh cho rằng, việc huyện tổ chức Lễ hội ruộng bậc thang Hồng Thái - điểm nhấn cho Ngày hội văn hóa du lịch vùng cao Na Hang là rất cần thiết. Từ đây sẽ tạo ra các tour tuyến du lịch mới, thu hút nhiều du khách về với Na Hang nói chung và Hồng Thái nói riêng. Lễ hội còn là cơ hội tốt cho các nhiếp ảnh gia chụp những khuôn hình đẹp nhất, quảng bá mạnh mẽ cho mảnh đất, con người vùng cao nơi đây.

Đang dọn dẹp nhà cửa để làm dịch vụ du lịch homestay, ông Bàn Văn Tỉnh, thôn Khau Tràng chia sẻ, nhân dân rất ủng hộ chủ trương của huyện, xã. Gia đình ông đã nhiều lần đón khách du lịch trong và ngoài nước để ở homestay. Nhưng đây là một lễ hội lớn, lượng người đông nên gia đình ông và các gia đình trong thôn phải chuẩn bị thật chu đáo. Việc gặt lúa cũng được sự chỉ đạo thống nhất của cán bộ xã, để du khách có thể trải nghiệm cùng người dân.

Có thể đây sẽ là năm đầu tiên chuỗi hoạt động của Lễ hội Thành Tuyên năm 2018 được kéo dài và lan tỏa ra các huyện. Như vậy tour du lịch khép kín trong tỉnh sẽ giúp du khách tận hưởng trọn vẹn cảnh sắc và con người xứ Tuyên.

Theo TQĐT


Bài viết liên quan