Du lịch homestay Lâm Bình

Du lịch cộng đồng (homestay) đang trở thành điểm nhấn hấp dẫn đối với du khách trong và ngoài nước khi đến với Lâm Bình. Đến đây, mọi người không chỉ được hòa mình cùng thiên nhiên mà còn có những trải nghiệm chân thực về văn hóa của người dân bản địa.

 

Cơ sở du lịch homestay Anh Thế, thôn Nặm Đíp, xã Lăng Can (Lâm Bình).

Du lịch homestay Lâm Bình tuy mới hình thành và phát triển trong một vài năm trở lại đây nhưng đã mang đến nhiều thú vị cho du khách. Hiện đã có 15 hộ kinh doanh homestay có khả năng phục vụ 500 khách/đêm với trang thiết bị đạt chuẩn; người dân được đào tạo, tập huấn các kỹ năng phục vụ. Chị Lưu Thị Thoan, du khách ở quận Nam Từ Liêm, thành phố Hà Nội cho biết, hầu như năm nào gia đình chị cũng đến Lâm Bình để du lịch và thường ở homestay. Mỗi lần trở lại vùng đất này chị lại thấy có nhiều đổi mới. Nơi đây mang đến cho gia đình chị nhiều trải nghiệm khi được cùng ăn, cùng ở với người dân bản địa, tìm hiểu về văn hóa, tham gia các hoạt động cộng đồng.

Trong chuyến du lịch Việt Nam đầu tiên của mình, ông Xavi quốc tịch Tây Ban Nha lựa chọn Lâm Bình là một trong những điểm “nhất định phải đến” cùng với các địa danh nổi tiếng khác như vịnh Hạ Long (Quảng Ninh), Sapa (Lào Cai), Đà Nẵng, Nha Trang… Để lên kế hoạch cho chuyến du lịch kéo dài 2 tháng tại Việt Nam, ông Xavi đã dành nhiều thời gian tìm hiểu và rất thích thú với những thông tin có được về Lâm Bình. Ông hào hứng chia sẻ: Tôi đã đi du lịch nhiều nơi trên thế giới và thường lựa chọn hình thức homestay. Ông được hòa mình với văn hóa người Tày Lâm Bình, được trải nghiệm nghề dệt vải, ăn các món ăn truyền thống thật là thú vị.


Ông Chẩu Minh Vỹ, thôn Nặm Đíp, xã Lăng Can (Lâm Bình) kiểm tra dụng cụ sản xuất của đồng bào
dân tộc Tày cho khách tham quan, tìm hiểu.

 


Ông Chẩu Minh Vỹ, chủ homestay Anh Thế, thôn Nặm Đíp, xã Lăng Can cho biết, gia đình ông làm homestay được 3 năm nay, đã đón nhiều lượt khách, có cả khách nước ngoài, khách du lịch được nghỉ ngơi, tận hưởng không khí trong lành của bản làng, ăn những món ăn dân tộc, tham gia các hoạt động lao động sản xuất cùng người dân… Chính vì vậy, khi đầu tư làm du lịch, gia đình chú ý sử dụng các chất liệu gần gũi trong đời sống như gỗ, tranh, tre, nứa. Du khách rất thích vì được trải nghiệm cuộc sống miền núi, ấn tượng với những hoạt động giao lưu văn nghệ, lửa trại đặc sắc của đồng bào dân tộc Tày.

Ông Nguyễn Văn Hiền, Phó Chủ tịch UBND huyện Lâm Bình cho biết, hiện nay, huyện đang tập trung nguồn vốn hỗ trợ đầu tư phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng thiết yếu vào các điểm du lịch có tiềm năng phát triển, ưu tiên du lịch văn hóa, sinh thái và du lịch cộng đồng homestay. Đầu tư xây dựng các làng văn hóa gắn với phát triển du lịch cộng đồng như làng Văn hóa - du lịch thôn Nà Tông, Nà Đông, xã Thượng Lâm; Nà Muông, xã Khuôn Hà; Nặm Đíp, xã Lăng Can.

Đặc biệt vừa qua, Khu bảo tồn thiên nhiên Na Hang - Lâm Bình vinh dự được công nhận danh thắng Quốc gia đặc biệt. Ngay sau khi được công nhận, huyện đã tập trung chỉ đạo các đơn vị liên quan lập đề án cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh; xây dựng danh mục dự án kêu gọi xúc tiến đầu tư; tập trung thu hút, mời gọi các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp đầu tư kết cấu hạ tầng và cơ sở vật chất kỹ thuật du lịch, chú trọng đầu tư xây dựng các điểm nghỉ dưỡng, khu sinh thái… góp phần mang lại hiệu quả kinh tế, nâng cao đời sống và tăng thu nhập cho người dân.

Theo: baotuyenquang.com.vn


Bài viết liên quan