Hương vị khó quên của ẩm thực Phú Lâm

Xã Phú Lâm (Yên Sơn) từ lâu không chỉ được mọi người biết đến là điểm nghỉ dưỡng lý tưởng với dòng nước khoáng nóng thiên nhiên, mà còn là nơi thưởng thức những món ăn dân dã được chế biến từ các nguyên liệu mang đậm hương vị quê hương của người dân nơi đây.

 

Du khách trải nghiệm làm cơm lam.

Khu du lịch Suối khoáng Mỹ Lâm thuộc xã Phú Lâm (Yên Sơn) theo quy hoạch có tổng diện tích 1.161 ha gồm: Khu vui chơi giải trí, nghỉ dưỡng; khu lâm viên; khu dân cư; khu trang trại; khu thương mại - dịch vụ tổng hợp; khu đầu mối hạ tầng và các công trình sử dụng chung. Các nhà hàng, khách sạn, nhà nghỉ ngày càng được đầu tư, nâng cấp đáp ứng nhu cầu của du khách trong và ngoài tỉnh. Trung bình mỗi năm, khu du lịch đón trên 110 nghìn lượt du khách tới tham quan, nghỉ dưỡng. Đến với Khu du lịch Suối khoáng Mỹ Lâm, du khách không chỉ được ngắm cảnh thiên nhiên hữu tình, được trải nghiệm các dịch vụ hữu ích mà còn được thưởng thức hương vị rất riêng của: Cơm lam, thịt trâu khô, lạp sườn hun khói, gà đồi nướng, cá sông, vịt quay, thịt lợn đen, đặc sản rau rừng, lươn nướng ống lam...

Nét ẩm thực ở Phú Lâm đầu tiên phải nói đến là món cơm lam mang hương vị riêng của đồng bào Cao Lan. Cơm lam được làm từ gạo nếp nương, thân cây tre gai và nước giếng. Muốn có ống cơm lam ngon, người làm phải chọn cây tre bánh tẻ; gạo nếp phải chọn loại nếp trắng, dẻo, thơm đem ngâm, vo sạch rồi trộn cùng một chút muối cho đậm đà rồi cho vào ống. Khi cho gạo vào không được nén chặt, đổ nước cách miệng ống 2 - 4 cm rồi lấy lá dong hoặc lá chuối nắp thật chặt. Tuy nhiên, việc nướng cơm lam lại là một nghệ thuật không phải ai cũng làm được. Anh Nguyễn Việt Tiến, xóm Suối Khoáng cho biết, gia đình anh có hơn 20 năm làm cơm lam, cách làm được truyền lại từ thời ông bà. Việc chọn nguyên liệu ngon mới chỉ tạo nên 50% thành công. Muốn có ống cơm lam thơm, dẻo, bùi, khi nướng cần phải xoay đều tay để cơm chín đều, không bị cháy. Thông thường phải nướng hơn 2 tiếng thì cơm mới chín. Khi ăn, mọi người sẻ cảm nhận được vị dẻo thơm với lớp vỏ lụa của ống tre dính vào phần cơm. Nhiều người khi đến đây đều chọn mua cho mình những ống cơm lam mang về làm quà.

Ai đã có dịp thưởng thức dù chỉ 1 lần đều khó có thể quên những món ăn được chế biến từ cá như: Cá nướng ống lam, cá nướng muối ớt tiêu hành, cá kho niêu hay đơn giản chỉ là món canh cá nấu lá chua. Theo anh Hoàng Đức Thanh, bếp trưởng của Nhà hàng Hộ Nhâm, thôn Ngòi Xanh 2, để tạo nên nét riêng, cá được lựa chọn rất kỹ lưỡng, chủ yếu là cá rô, cá trê, phải có thân dày. Khi nướng chín, cá không chỉ thơm, ngon mà còn có mùi vị rất đặc trưng, cá có màu vàng ruộm, giữ được độ mềm chứ không bị khô. Ngoài các gia vị quen thuộc, để tạo nên món cá ngon không thể thiếu hạt tiêu rừng và cá phải được nướng bằng than hoa.



Một số món ăn dân dã ở Phú Lâm.

Đến Phú Lâm vào mùa hè, khách sẽ được thưởng thức các món rau rừng như: Rau sam, rau dớn, rau bò khai, rau giảo cổ lam... Người dân nơi đây thường dùng những loại rau này nấu canh để giải nhiệt, nhiều người còn phơi khô lá đun nước uống hàng ngày. Chị Trần Thu Trang, quận Lê Chân, TP Hải Phòng chia sẻ, mỗi khi có dịp lên Tuyên Quang chị đều đến tắm khoáng ở Khu du lịch Suối khoáng Mỹ Lâm và thưởng thức những món ăn nơi đây. Chị thích nhất là món cá nướng ống lam bởi nó có vị đậm, ngọt mềm của cá quyện với mùi thơm của ống tre non rất độc đáo. Hương vị của món canh cá nấu lá thấm lầm đặc trưng với vị chua rôn rốt, cay cay của ớt, gừng và béo ngậy của cá càng kích thích vị giác người dùng.

Không phải của ngon vật lạ nơi chốn thị thành, nhưng những món ăn làm từ nguyên liệu quen thuộc, dân dã ở Phú Lâm đã tạo nên nét đặc trưng riêng. Chắc chắn đây sẽ là một trong những điểm đến thú vị cho du khách trải nghiệm trong dịp Lễ hội Thành Tuyên và Liên hoan trình diễn Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia năm 2019 sắp diễn ra.

Theo TQĐT


Bài viết liên quan