Làng văn hóa Tân Lập

Làng Tân Lập năm 1945 được biết đến là trái tim cách mạng Việt Nam. Nơi đây Bác Hồ đã từng ở và làm việc, các cơ quan trung ương đặt trụ sở làm việc trong Cách mạng tháng Tám năm 1945.

Ngày ấy, làng Tân Lập chỉ có 23 hộ gia đình dân tộc Tày, nhà nào cũng được sử dụng phục vụ cho cách mạng, nhà đặt cơ quan in báo, nhà đặt điện đài, nhà dành cho bộ đội đóng quân. Đặc biệt, nhà của ông Nguyễn Tiến Sự là nơi Bác Hồ đã ở khi chuyển từ Pác Bó (Cao Bằng) về Tân Trào từ 21-5 đến cuối tháng 5 - 1945; nhà của ông Hoàng Trung Dân, nơi Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã ở và làm việc trong thời gian tiến tới Tổng khởi nghĩa, từ ngày 21/5 đến ngày 16/8/1945.


Du khách tham quan Làng văn hóa Tân Lập, xã Tân Trào (Sơn Dương).

Những ngôi nhà lịch sử này hiện được gìn giữ vẹn nguyên. Vẫn còn đó nếp nhà sàn xưa cũ, chỉ khác là được con, cháu trong gia đình tu sửa vững chãi, dọn dẹp khang trang, sạch đẹp hơn. Bà Hoàng Thị Mai, con dâu cụ Nguyễn Tiến Sự năm nay đã ngoài 80 tuổi xúc động nói: Sinh sống dưới mái nhà lịch sử, bà luôn bảo ban con cháu phải phát huy truyền thống gia đình, gương mẫu thực hiện việc làng, việc xóm. Đặc biệt, bức ảnh Đại tướng Võ Nguyên Giáp thăm, tặng quà gia đình ông Nguyễn Tiến Sự tháng 8 -1995 và các đoàn khách trung ương đến thăm gia đình được treo vị trí trang trọng trong ngôi nhà để nhắc nhở con cháu về truyền thống gia đình cách mạng. 

Người dân trong làng Tân Lập ai cũng tự hào vì được sinh ra trên mảnh đất giàu truyền thống cách mạng, nơi có cây đa Tân Trào lịch sử. Dưới gốc đa Tân Trào, ngày 16/8/1945, Đại tướng Võ Nguyên Giáp thay mặt Ủy ban khởi nghĩa toàn quốc đọc bản Quân lệnh số 1 hạ lệnh xuất quân. đoàn quân giải phóng rầm rập lên đường tiến sang giải phóng Thái Nguyên, tiến về Hà Nội... Từ giây phút đó, cây đa Tân Trào trở thành biểu tượng của Cách mạng tháng Tám, là nơi chứng kiến lễ xuất quân đầu tiên của quân giải phóng Việt Nam. 

Bà Hoàng Thị Nghiệp, tiểu thương bán hàng ở thôn Tân Lập được hơn 10 năm bày tỏ: Những ngày này du khách đến với Tân Lập ít đi do ảnh hưởng của dịch Covid - 19. Tuy vậy bà vẫn túc tắc bán hàng với mong muốn du khách đến với Tân Trào nói chung và Tân Lập nói riêng không chỉ biết đến là một mảnh đất lịch sử mà còn biết đến những đặc sản nổi tiếng của Tân Trào như cơm lam, gạo kén, chè, nấm hương, măng khô và nhiều vị thuốc của đồng bào dân tộc. 

Đến với Tân Lập, du khách còn được tìm hiểu giá trị văn hóa của dân tộc Tày bên những ngôi nhà sàn truyền thống với những làn điệu then, cọi mê đắm lòng người.      

Theo TQĐT   


Bài viết liên quan