Chợ phiên Đạo Viện

Yên Sơn có nhiều chợ phiên gắn liền với đời sống văn hóa của đồng bào dân tộc thiểu số từ bao đời nay như các chợ Hùng Lợi, Trung Sơn, Trung Minh, Kiến Thiết, Đạo Viện… Mỗi phiên chợ đều có nét riêng, độc đáo thể hiện bản sắc văn hóa của mỗi địa phương. Một trong những phiên chợ đặc sắc ấy là chợ Đạo Viện họp vào sáng thứ 7 hàng tuần tại khu vực trung tâm của xã.

Có lẽ ấn tượng đầu tiên với bất cứ ai khi lần đầu đến chợ phiên Đạo Viện ấy là dấu ấn văn hóa dân tộc Mông. Chợ chỉ họp 1 tuần 1 lần nên người dân ở đây ai cũng háo hức chờ đón. Trước mỗi buổi chợ phiên, các cô gái dân tộc Mông đều chuẩn bị cho mình bộ trang phục truyền thống mới nhất, đẹp nhất để đi chợ. Với người Mông, đến chợ phiên không chỉ là để mua bán, trao đổi hàng hóa mà đến chợ để đi chơi, để thư giãn sau một tuần lao động mệt nhọc. Vì vậy, chợ còn là nơi hò hẹn, tâm tình, là cầu nối các chàng trai, cô gái Mông nên duyên vợ chồng.

Chợ phiên Đạo Viện mang đậm sắc màu văn hóa dân tộc Mông.    

Bởi thế, số lượng người đi chợ phiên vì thế mà tăng lên theo thời gian, kéo theo đó số lượng hàng hóa ngày càng phong phú hơn. Ngoài những mặt hàng thiết yếu phục vụ tiêu dùng, chợ còn có nhiều sản vật nổi tiếng của núi rừng như: Lúa nếp nương, lợn đen, gà đồi, cá suối, các loại rau rừng, mật ong rừng… 

Điều đặc biệt ở chợ phiên vùng cao là người đi chợ đôi khi không cần có tiền. Họ có thể mang nông sản hay bất kỳ hàng hóa có giá trị nào đi trao đổi. Có thể là một miếng thịt đổi lấy một cân gạo hay một túi nấm hương đổi lấy mảnh vải đẹp. Nét đẹp của văn hóa trao đổi hàng hóa làm cho phiên chợ nơi đây luôn tràn ngập sự ấm áp và vui vẻ.

Tại chợ, khu bày bán đồ thổ cẩm, quần áo dân tộc Mông và các phụ kiện như khăn, yếm, vòng cổ, vòng tay là tấp nập hơn cả. Không ít khách du lịch, nhất là các bạn trẻ đã sà vào gian hàng này lựa lấy một bộ trang phục phụ nữ Mông để có những bộ ảnh chek in độc đáo. Còn với những phụ nữ dân tộc Mông, họ lại nâng lên, đặt xuống hoặc ướm thử chiếc váy mới, khăn cuốn đầu mới hay đơn giản là chiếc vòng tay để làm duyên. Các bà, các mẹ lại cẩn thận lựa từng cuộn chỉ màu, miếng vải để mang về thêu quần áo dân tộc trong lúc rảnh rỗi.

Hòa trong rực rỡ sắc màu thổ cẩm là những chiếc khèn, chiếc mũ nồi của đàn ông người Mông cũng được bày bán. Ít nhiều du khách đã mua chiếc mũ nồi, hay chiếc khèn - nhạc cụ độc đáo riêng có của người Mông để làm quà lưu niệm như để nhớ ở vùng cao xứ Tuyên có phiên chợ đắm say như thế!

Theo TQĐT


Bài viết liên quan