Na Hang mùa Tết

Có lẽ trong quan niệm của người dân “Tết” là dịp để người ta nghỉ ngơi, thư giãn và hưởng những thành quả lao động vất vả của cả năm, bởi vậy mà cứ khi tết đến thì dù là người nghèo hay người giàu, dù thiếu thốn hay dư giả, ai cũng cố chuẩn bị để gia đình có một cái tết tươm tất nhất có thể.

    Hàng năm cứ mỗi độ tết đến xuân về trong cái không khí se lạnh của mùa đông, khi những cánh hoa đào, hoa mận bắt đầu khoe sắc là lúc bà con trên khắp mọi miền của tổ quốc lại nô nức chuẩn bị cho gia đình đón tết.

   Có lẽ trong quan niệm của người dân “Tết” là dịp để người ta nghỉ ngơi, thư giãn và hưởng những thành quả lao động vất vả của cả năm, bởi vậy mà cứ khi tết đến thì dù là người nghèo hay người giàu, dù thiếu thốn hay dư giả, ai cũng cố chuẩn bị để gia đình có một cái tết tươm tất nhất có thể. Ở huyện vùng cao Na Hang không khí đón tết cũng diễn ra nhộn nhịp ngay từ khá sớm, bắt đầu từ những ngày cuối đông khi những loại nông sản như lúa, ngô, khoai, sắn… được thu hoạch về nhà thì cũng là lúc mọi công việc của một năm gần như được khép lại… Từ những ngày sau rằm tháng bảy rất nhiều gia đình đã bắt đầu tích trữ các loại gạo ngon và nấu rượu để phục vụ cho ngày tết. Sau ngày 25 tháng chạp nhiều nhà bắt đầu mổ lợn, gói bánh chưng, từ những ngày này trở đi, đi đến bất cứ một gia đình nào trong thôn hình ảnh có thể bắt gặp nhiều nhất chính là những dây lạp sườn vàng óng được bà con làm bằng thịt lợn đen, đây món ăn khá phổ biến trong những ngày tết của người vùng cao. Lạp sườn thường được làm bằng thịt lợn đen ướp với các loaị hương liệu, sau đó nhồi vào ruột non đã sơ chế sạch rồi đem treo gác bếp, món ăn này được tích trữ để ăn qua tháng giêng, bởi đó là thời điểm cấy hái, trông trọt nên những loại thức ăn có thể tích trữ như: Thịt chua, thịt hun khói, lạp sườn … thường khá được yêu thích.

Lạp sườn bằng thịt lợn đen

   Những ngày giáp tết việc bài trí trang hoàng lại nhà cửa là việc làm mà bất cứ một gia đình nào cũng đều thực hiện. Với bà con vùng cao bàn thờ tổ tiên được xem là nơi trang nghiêm, tôn kính nhất trong ngôi nhà bởi vậy mà việc dọn dẹp và trang trí cũng có phần cầu kỳ hơn cả, khi gần đến ngày tết bàn thờ sẽ được con cháu lau chùi và dán lại giấy, bên dưới được đặt thêm cành đào với ý nghĩa xua đuổi tà ma và những điều xui xẻo, riêng với người dân tộc thiểu số ở vùng cao bên cạnh cành đào người ta còn đặt thêm 2 cây mía với ý nghĩa của sự “kết nối” bởi theo quan niệm dân gian cho rằng cây mía chính là tượng trưng của sự giao hòa trời - đất, kết nối hai thế giới âm dương dẫn đón linh hồn tổ tiên từ trên trời trở về hạ giới sum vầy với con cháu trong những ngày đầu tiên của năm mới.

   Không chỉ có ban thờ tổ tiên được trang trí cầu kỳ mà ngày cả phía ngoài cũng được bà con chuẩn bị khá cẩn thận từ lối vào cho đến gian bếp.

                                                    Ông cha ta có câu:

“Thịt mỡ, dưa hành, câu đối đỏ
Cây nêu, tràng pháo, bánh chưng xanh”

   Cùng với bánh chưng xanh, cành đào… cây nêu cũng là vật rất quan trọng trong những ngày tết của bà con. Thông thường vào nhừng ngày tết nhà nào cũng dựng một cây nêu trước sân trên được treo bánh Chưng, vàng hương và hoa quả bởi người dân quan niệm rằng trong những ngày tết sẽ có rất nhiều linh hồn lang thang không nơi nương tựa, không người hương khói đến để cướp bóc và quấy phá gia đình, do vậy mà họ treo những vật phẩm kia cũng giống như một việc làm phước lành cho những linh hồn cơ nhỡ.

   Ở phía trong của gian bếp cũng được bà con chuẩn bị chu đáo, trong những ngày tết bếp lửa sẽ luôn được giữ ấm và được đun kèm với gỗ cây lúc lắc bởi theo quan niệm của người dân cây lúc lắc giúp xua đuổi tà ma và tỏa hương thơm khi đun tạo cho con người cảm giác khoan khoái, dễ chịu do vậy nên vào dịp trước tết khoảng một tháng các gia đình sẽ vào rừng tìm gỗ cây lúc lắc để đem về đun trong ba ngày tết, đây là nét truyền thống được lưu giữ từ khá nhiều đời nay trong gia đình của những người dân tộc vùng cao.

   Tết của bà con vùng cao Na Hang độc đáo, khác lạ và đậm đà bản sắc dân tộc chắc chắn sẽ không thể phai mờ đối với mỗi du khách khi có dịp ghé thăm nơi đây.

Theo: http://www.tuyenquang.gov.vn

 


Bài viết liên quan