Lễ cấp sắc của dân tộc Dao tỉnh Tuyên Quang

Dân tộc Dao ở tỉnh Tuyên Quang có dân số khá đông, đứng thứ 3 sau các dân tộc: Kinh, Tày. Trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang có các ngành Dao: Dao Đỏ, Dao Tiền, Dao Coóc Mùn, Dao Quần Chẹt, Dao Ô Gang (có nơi gọi là Lồ Gang), Dao Coóc Ngáng, Dao Quần Trắng, Dao Thanh Y, Dao Áo Dài.

     Trong truyền thống, người Dao canh tác nương rẫy là chủ yếu, du canh du cư trên những triền núi, luôn phải chống chọi với thiên nhiên khắc nghiệt để tạo ra những sản phẩm vật chất nuôi sống con người và duy trì nòi giống. Quá trình chinh phục thiên nhiên để ngày càng thích ứng với cuộc sống đã dần dần hình thành nên những bản sắc văn hoá tinh thần độc đáo, khác biệt so với các dân tộc khác cận vùng và các ngành khác trong cùng dân tộc Dao.

 Nghi lễ Cấp sắc của các ngành Dao ở Tuyên Quang rất phong phú, đa dạng và độc đáo,
 không gian hành lễ của mỗi ngành Dao cũng mang những nét đặc trưng riêng của mình. 

 

      Đồng bào Dao coi trọng đạo lý, sống nghĩa tình, thể hiện cách ứng xử của mình thông qua các nghi lễ truyền thống như: Những nghi lễ trong chu kỳ đời người, được thể hiện qua những tập tục trong sinh đẻ và nuôi dạy con, nghi lễ đánh dấu sự trưởng thành (Lễ cấp sắc), nghi lễ cưới xin, ma chay. Đặc biệt là các nghi lễ tín ngưỡng liên quan đến thờ cúng tổ tiên luôn được đồng bào duy trì và coi trọng, thể hiện qua tục tách tổ và dựng tổ mới với những nghi lễ độc đáo, đặc sắc. Bên cạnh đó, những sinh hoạt văn hóa mang tính chất gắn kết mối quan hệ gia đình, dòng họ mật thiết, cố kết cộng đồng được thể hiện qua những nghi lễ liên quan đến các tết trong năm, các lễ cúng tại Miếu làng... tất cả những nghi lễ đó đều không nằm ngoài một ước muốn chung của đồng bào Dao là mong sao cho mưa thuận gió hòa, mùa màng tươi tốt, người người khỏe mạnh, cuộc sống đầm ấm, yên vui, mọi gia đình được an lành hạnh phúc.

    Tuy tiếng nói, phong tục tập quán, cách ăn mặc không hoàn toàn giống nhau, nhưng đồng bào đều nhận tên tự gọi của dân tộc mình là "Kiềm miền" (hay Dìu miền) và "Kìm mùn" (hay Dìu mùn). Mỗi ngành Dao ở Tuyên Quang cư trú ở một vùng nhất định. Ngành Dao Đỏ chủ yếu ở huyện Nà Hang, Chiêm Hoá; Dao Tiền chủ yếu ở huyện Chiêm Hoá, Na Hang, Hàm Yên; Dao Coóc Mùn chủ yếu ở huyện Yên Sơn, Sơn Dương; Dao Quần Chẹt ở huyện Sơn Dương; Dao Ô Gang, Coóc Ngáng, Thanh Y ở huyện Yên Sơn; Dao Quần Trắng ở huyện Hàm Yên, Yên Sơn; Dao Áo Dài ở huyện Hàm Yên, Chiêm Hoá. Phong tục tập quán nói chung, nghi lễ của dân tộc Dao nói riêng là yếu tố quan trọng phản ánh trình độ phát triển tộc người và tạo nên bản sắc văn hoá, đóng góp quan trọng vào kho tàng chung của bản sắc văn hoá Tuyên Quang.

     Theo gia phả của một số gia đình người Dao ở Tuyên Quang và tài liệu "Bình hoàng khoán điệp" thì nguồn gốc của người Dao là từ Trung Quốc di cư vào Việt Nam. Nhiều gia phả ghi rõ trước khi sang Việt Nam đã ở Quảng Đông, Quảng Tây. Trong các sách cúng của người Dao, đồng bào thường nhắc đến việc đưa linh hồn người chết về Dương Châu đại điện.

     Đối với người Dao, Bàn Hồ là nhân vật huyền thoại, là thuỷ tổ của dân tộc Dao, được hầu hết các nhóm người Dao thờ cúng, vì việc thờ cúng này liên quan tới vận mệnh của mỗi con người, dòng họ và của cả dân tộc. Ngoài một số nghi lễ lớn thờ cúng Bàn Vương như lễ Chẩu đàng, Tết Nhiảng Chầm đạo, thì Bàn Hồ còn được cúng trong nhiều nghi lễ khác nhau như cúng tổ tiên gia tộc, dòng họ, Lễ cấp sắc… Liên quan đến Bàn Hồ không chỉ có những truyền thuyết, thần tích, truyện thơ, các nghi lễ tín ngưỡng dân gian mà còn cả những sắc thái văn hoá mang đậm những đặc trưng dân tộc. Trước nhất, phải kể đến quan niệm ngũ sắc trong thẩm mỹ của dân tộc Dao. Màu sắc trang phục và các màu sắc hoa văn trang trí luôn gắn với ngũ sắc. Trong quan niệm của người Dao ngũ sắc mang tính nguồn gốc thuỷ tổ dân tộc, vừa là biểu tượng của sức mạnh, của sự may mắn, của cái đẹp.

    Bàn Hồ là hiện tượng văn hoá dân gian tổng thể của người Dao, ở đó có yếu tố tín ngưỡng, nghi lễ, phong tục, sinh hoạt văn hoá, nghệ thuật hoà quyện với nhau, tạo nên sắc thái văn hoá mang đậm màu sắc dân tộc. Bàn Hồ cùng với các sinh hoạt tín ngưỡng - văn hoá dân gian mang tính phổ quát toàn bộ dân tộc, là biểu tượng cho sự thống nhất nguồn gốc và văn hoá dân tộc. Đặc biệt với dân tộc Dao, do sinh sống phân tán, rải rác nhưng huyền thoại Bàn Hồ về cội nguồn dân tộc và các tín ngưỡng, phong tục kèm theo đều phổ biến ở mọi ngành dân tộc Dao.

      Nếu truyện Bàn Hồ liên kết toàn bộ cộng đồng dân tộc Dao thì một số tín ngưỡng và thực hành tôn giáo nhuốm màu sắc Đạo Giáo cũng góp phần củng cố thêm ý thức tự giác tộc người của người Dao nói chung. Đạo Giáo ra đời ở Trung Quốc, ảnh hưởng đến người Dao từ lâu. Nội dung Đạo Giáo đã được người Dao tiếp thu và biến hoá đi rất nhiều, nói cách khác là Đạo Giáo đã sử dụng các tín ngưỡng và hành vi tôn giáo sâu sắc nhất vốn có ở người Dao và đưa vào đó một tín ngưỡng mới.

     Sự ra đời của một con người là một việc lớn, nhất là trong hoàn cảnh một tộc người xưa nạn hữu sinh vô dưỡng là phổ biến. Do đó, theo tục lệ xưa, thường sau khi sinh nở 3 ngày, đứa con được làm lễ cúng Mụ, đặt tên. Nhưng sự ra đời của một con người không quan trọng bằng khi chúng đến tuổi thành đinh và trở thành một con người xã hội. Vấn đề này được thể hiện trong một nghi thức rất phổ biến của dân tộc Dao, đó là Lễ cấp sắc. Người thanh niên qua Lễ cấp sắc mới được nhận tín đồ Đạo Giáo, được thánh thần công nhận, được cấp âm binh, tu luyện pháp thuật, khi sống làm ăn, sinh hoạt được may mắn; lúc chết mới được về với tổ tiên nơi Dương Châu, không phải sa xuống địa ngục.

Lễ cấp sắc của dân tộc Dao

     Tuổi quy định được cấp sắc từ 12 đến 16. Ở Người Dao Tiền, con trai được cấp sắc trong độ tuổi muộn hơn, từ 15 đến 18. Người Dao Quần Trắng không làm Lễ cấp sắc cho con trai dưới 10 tuổi. Ngược lại ở người Dao Thanh Y Lễ cấp sắc có thể tiến hành từ lúc đứa con trai mới 8 tuổi. Những người khác tộc, nhưng đã làm con nuôi của người Dao thì cũng được cấp sắc. Trước khi làm Lễ cấp sắc, người con trai phải trải qua lễ đặt tên âm, tên do thầy cúng đặt.

     Đèn dùng trong Lễ cấp sắc là sự thể hiện vị trí cao thấp khác nhau của những người được cấp sắc sau khi thụ lễ. Đèn đặt như vậy với dụng ý soi sáng cho cơ thể và tẩy rửa tất cả các tội lỗi, để người được cấp sắc trong sạch. Sau nghi thức đặt đèn các thầy cúng lần lượt đóng ấn cho người được cấp sắc. Lúc này đạo sắc âm được đổi đi, đạo sắc dương được giữ lại cho người thụ lễ. Có 3 hình thức là cấp sắc 3 đèn, 7 đèn và 12 đèn. Trong 2 hình thức cấp sắc 3 đèn, 7 đèn thì cấp sắc 3 đèn là bắt buộc đối với những người con trai đến tuổi thành niên, sau đó nếu có điều kiện sẽ tổ chức lễ cấp sắc 7 đèn. Hai loại cấp sắc này giống nhau về trình tự hành lễ nhưng khác nhau về số lượng đèn dùng trong buổi lễ, số thầy được mời đến làm lễ và địa vị tôn giáo của người được cấp sắc sau khi thụ lễ. Cấp sắc 12 đèn ít được thực hiện. Lễ này phải kéo dài 7 ngày, 7 đêm, phải có 12 thầy cúng đã qua cấp sắc 12 đèn tham dự. Hiện nay không còn cấp sắc 12 đèn.

     Lễ cấp sắc vừa là công việc riêng của gia đình, vừa là sinh hoạt riêng mang tính cộng đồng của dòng họ, bản làng, bởi vì xưa kia đại bộ phận trai tráng đều phải qua Lễ cấp sắc. Người thanh niên phải qua Lễ cấp sắc mới được coi là người đã trưởng thành, mới có thể dạy chữ, dạy cúng, làm nghề thầy cúng (người Dao coi trong dạy học, làm thầy cúng, thầy thuốc). Để thực hiện 1 Lễ cấp sắc người ta phải lo trước hàng năm về lương thực, thực phẩm. Công việc này đòi hỏi phải có sự giúp đỡ của anh em, họ hàng, làng xóm. Đến khi cấp sắc được tiến hành là công việc giúp làm đàn lễ, làm ghế ngồi, lo cỗ bàn.

    Trong Lễ cấp sắc, các thầy cúng phải cầu khấn các thành phần bảo trợ của mình, phải cúng tổ tiên của gia chủ, và đặc biệt phải mời Bàn Vương về dự. Tương tự như đối với mo Thái và mo Mường, việc kể tích Bàn Vương là một trong những nội dung quan trọng, bởi con người từ thời xa xưa luôn mong muốn biết được các hiện tượng tự nhiên, của muôn loài, của con người và của chính mình, do vậy các dạng mo đẻ đất, đẻ nước, đẻ người, đẻ ra muôn loài phổ biến ở hầu hết các cư dân nguyên thuỷ thì suy cho cùng cũng đều nhằm giải thích thế giới, giải thích vũ trụ theo quan niệm của thế giới quan thần thoại mà có người coi như là một dạng sử thi.

    Người con trai nào không được cấp sắc thì dù chết già cũng không được về với tổ tiên và lúc sống không được cúng bái cha mẹ, không được công nhận là con cháu Bàn Vương.

Theo http://www.tuyenquang.gov.vn/


Bài viết liên quan