Du lịch tâm linh - lễ hội đầu năm ở Tuyên Quang

Đã từ lâu, hàng năm vào mùa xuân - mùa lễ hội, du khách gần xa tấp nập hành hương về với Tuyên Quang đi lễ để cầu mong cho mọi nhà có cuộc sống ấm no, mọi người khỏe mạnh, gia đình hạnh phúc, con cháu ngoan hiền, thi cử đỗ đạt, công việc gặp mọi điều may mắn.

     Tuyên Quang là tỉnh miền núi phía Bắc của Tổ quốc cách Thủ đô Hà Nội 140km có diện tích tự nhiên là 5.867,90km2, dân số 760.289 người (năm 2015) với 22 dân tộc cùng sinh sống. Đây là vùng đất có bề dày truyền thống lịch sử cách mạng. Mỗi tên làng, tên phố, di tích lịch sử, văn hóa đều gắn với sự hình thành, phát triển của đất và người xứ Tuyên.

    Đến Tuyên Quang du khách không chỉ được chiêm ngưỡng cảnh sắc thiên nhiên tươi đẹp mà còn hiểu thêm những giá trị về văn hóa, truyền thống của một vùng quê cách mạng qua các di tích lịch sử - văn hóa, các công trình kiến trúc nghệ thuật, được thưởng thức các hoạt động văn hóa mang sắc thái riêng như: Lễ hội Lồng Tông, Lễ hội Động Tiên, Lễ hội đua thuyền, lễ hội chùa Hương Nghiêm, lễ hội đền Hạ, Lễ hội đường phố,… Trong đó nhiều điểm di tích đình, đền, chùa đã trở thành thế mạnh trong việc phát triển du lịch văn hóa tâm linh - lễ hội của tỉnh, hàng năm thu hút một lượng lớn khách du lịch đến thăm quan và chiêm bái.

 

Lễ hội rước Mẫu đèn Hạ, đền Thượng, đền Ỷ La

    Tín ngưỡng thờ Mẫu ở Tuyên Quang có từ rất sớm được hình thành vào khoảng đầu thế kỷ XVII phát triển mạnh vào thế kỷ XVIII, nơi đây còn được cho là nơi phát tích của mẫu Đệ Tam (Mẫu Thoải) - Vị thần cai quản vùng sông nước. Một minh chứng cho thấy các ngôi đền thờ Mẫu ở Tuyên Quang đều được xây dựng có niên đại cách nay đã vài trăm năm trước (đền Hạ 1738, đền Mẫu Ỷ La 1743, đền Thượng 1801,...) cũng chính bởi hệ thống các đền thờ Mẫu khá dầy mà Tuyên Quang còn được coi như vùng đất Mẫu. Thờ Mẫu là tín ngưỡng bản địa cổ nhất của Việt Nam. Trải qua quá trình tiến hóa, con người nhận ra rằng sự sống có được là do tự nhiên ban tặng cho khí trời, thức ăn, nước uống. Từ đấy nảy sinh ý thức biết ơn tự nhiên. Mặt khác con người cũng hứng chịu không ít sự tàn phá bất thường của tự nhiên do các hiện tượng thời tiết cực đoan… Nỗi hoang mang, lo sợ trước tự nhiên vì thế cũng ngày một lớn dần. Không hiểu tại sao tự nhiên vừa ban phát hào phóng, vừa gây hiểm họa cho con người. Ứng xử với thiên nhiên như thế nào cho phải chỉ có thể là cầu khấn, mong nhận được nhiều hơn, chịu thiệt hại ít hơn, và thế là tín ngưỡng sùng bái tự nhiên ra đời. Khi người Việt Cổ bước sang chế độ Mẫu hệ, vai trò của người phụ nữ được đề cao, quyền năng tự nhiên đồng nhất với quyền năng của người mẹ, phụng thờ tự nhiên chuyển sang phụng thờ người. Tín ngưỡng thờ Mẫu xuất hiện.

    Tiến trình hình thành quốc gia, dân tộc đã nảy sinh những nhân vật kiệt xuất chống thiên tai, chống giặc ngoại xâm, không ít những nhân vật trong số đó là phụ nữ. Những nhân vật như thế để lại trong cộng đồng sự biết ơn và sự tôn kính, trở thành thần Mẫu. Tín ngưỡng thờ Mẫu phát triển hoàn thiện với những vị thần tự nhiên và những nhân vật lịch sử được thần thánh hóa, quy tụ thành Tam tòa Thánh Mẫu gồm Mẫu Thượng Thiên, Mẫu Thượng Ngàn và Mẫu Thoải. Danh hiệu Thần Mẫu, Vương Mẫu, Quốc Mẫu, Thánh Mẫu là do nhà vua ban sắc phong hoặc do dân gian tôn phong.

    Ngoài việc thờ mẫu là chính, tại các đền còn phối thờ Đức Thánh Trần (Tức Quốc công Tiết chế Hưng Đạo Đại Vương Trần Quốc Tuấn), đây là một danh nhân lịch sử có công lớn trong ba cuộc kháng chiến chống quân Nguyên - Mông xâm lược dưới thời Trần (Thế kỷ XIII), được nhân dân tôn là một trong “Tứ bất tử” (gồm Mẫu Liễu, Chử Đồng Tử, Thánh Tản Viên và Đức Thánh Trần). Việc thờ Đức Thánh Trần là sự thể hiện đạo lý “Uống nước nhớ nguồn” của người dân miền sơn cước. Hiện nay chỉ có đền Kiếp Bạc và đền Cảnh Sanh (Thành phố Tuyên Quang) là thờ riêng Trần Hưng Đạo.

    Cùng với việc thờ Mẫu ở một số ngôi đền, Tuyên Quang còn có một số ngôi chùa thờ Phật như: An Vinh, Trùng Quang, Linh Thông, Hương Nghiêm, Phổ Linh, Núi Man, Phúc Lâm… Ở Tuyên Quang chùa chiền được xây dựng không nhiều nhưng người đi chùa lại rất đông đảo. Điều đó minh chứng người dân luôn có lòng hướng thiện, đó là một trong những đạo lý quan trọng của Phật giáo.

 

Lễ hội Chùa Hang (Chùa Hương Nghiêm)

 

    Ngoài là một vùng đất cổ, Tuyên Quang còn là một miền văn hóa tâm linh. Hiện nay, Tuyên Quang có 8 di sản được công nhận là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, đó là Lễ hội đền Thượng, đền Hạ, đền Ỷ La; Lễ hội Lồng Tông; Nghi lễ Then của người Tày; Hát Páo dung; Nghi lễ Cấp sắc của dân tộc Dao; Hát Soọng cô của dân tộc Sán Dìu; Kéo co truyền thống; Hát Sình Ca của dân tộc Cao Lan. Di tích lịch sử - văn hóa có khoảng 560 di tích, trong đó 67 di tích kiến trúc nghệ thuật, 133 di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia (02 di tích xếp hạng quốc gia đặc biệt). Đây là tài nguyên du lịch hấp dẫn đang được khai thác, phát triển sản phẩm du lịch của tỉnh. Bên cạnh đó, trên địa bàn toàn tỉnh còn có hàng chục ngôi đền lớn nhỏ với hàng trăm năm tuổi, nhiều đền đã được công nhận là di tích cấp quốc gia. Đền, chùa nơi đây không chỉ nổi tiếng linh thiêng, có bề dày lịch sử, kiến trúc độc đáo cổ xưa mà còn nổi tiếng với phong cảnh hữu tình, nguyên sơ, lạ mắt như: Đền Cảnh Xanh, đền Mỏ Than, đền Pác Tạ, đền Bắc Mục, đền Thác Cái… Đặc biệt là cụm các đền thờ Mẫu gồm: Đền Hạ, Đền Thượng, Đền Mẫu Ỷ La (thành phố Tuyên Quang), ba ngôi đền này được xây dựng khoảng thế kỷ XVIII thờ Mẫu thần, nổi tiếng linh thiêng. Từ ngày 10 đến ngày 16 tháng 2 (âm lịch) hàng năm đều tổ chức Lễ hội rước kiệu Mẫu bắt đầu từ Đền Mẫu Ỷ La ra Đền Hạ, rồi tiếp đến lễ rước kiệu Mẫu từ Đền Thượng qua sông về Đền Hạ để cùng hợp tế, đây là lễ hội truyền thống lớn nhất trong năm của người dân thành phố Tuyên Quang được khôi phục từ năm 2007. Sau 10 năm tổ chức, Lễ hội rước Mẫu đã đi vào đời sống văn hóa tinh thần của nhân dân địa phương, được đông đảo nhân dân, du khách trong và ngoài tỉnh hưởng ứng tạo nên một không gian văn hóa độc đáo riêng có của người dân Xứ Tuyên.

    Tuyên Quang là một vùng văn hóa đa hương sắc với nhiều dân tộc anh em cùng sinh sống, mỗi dân tộc lại có những nét văn hóa riêng của mình. Cái riêng kết hợp cùng cái chung tạo thành nét độc đáo trong văn hóa tín ngưỡng. Giống như một bảo tàng văn hóa, kiến trúc nghệ thuật, tôn giáo, tín ngưỡng đã và đang là điểm đến ưa thích của khách du lịch tâm linh trong và ngoài nước. Trong đó có những lễ hội đặc biệt như Lễ hội Lồng tông và nghi lễ Then của dân tộc Tày được tổ chức hàng năm với mong ước cầu một năm mới mưa thuận, gió hòa, mùa màng bội thu. Nét khác biệt của Lễ hội Lồng Tồng của người Tày ở đây là bà con cùng nhau ăn chung mâm cỗ, tổ chức trình diễn trang phục dân tộc. Đây là dịp để tạ ơn trời đất, cầu mong cuộc sống hạnh phúc bình yên, làm ăn thịnh vượng và may mắn; Lễ Cấp Sắc, hát Páo Dung của dân tộc Dao; hát Soọng Cô của dân tộc Sán Dìu; hát Sình Ca của dân tộc Cao Lan đã được công nhận là di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia, riêng nghi lễ Then của dân tộc Tày đang hoàn thiện hồ sơ để trình UNESCO công nhận là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.

 

Lễ hội Lồng Tông huyện Lâm Bình

    Đến với những điểm du lịch và không gian lễ hội này, du khách sẽ có cơ hội để tìm hiểu về ý nghĩa văn hóa, lịch sử, tâm linh của người Tuyên Quang xưa và nay, được hòa mình vào không khí tưng bừng của lễ hội khi tham gia các trò chơi dân gian của các dân tộc như đánh pam, đánh yến, kéo co, đu dây… được thưởng thức những món ăn và tìm hiểu những nét văn hóa độc đáo của riêng từng dân tộc nơi đây. Đặc biệt, đối với du khách nước ngoài, những chuyến du lịch văn hóa mang sắc thái tâm linh này chính là những trải nghiệm của họ về văn hóa, lịch sử của dân tộc Việt Nam nói chung và con người Tuyên Quang nói riêng…

    Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Tuyên Quang lần thứ XV, nhiệm kỳ 2010-2015 đã xác định: “Phát triển kinh tế du lịch là một trong 4 lĩnh vực đột phá, từng bước đưa ngành du lịch trở thành ngành kinh tế quan trọng của tỉnh”, Nghị quyết Đại hội Đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XVI, nhiệm kỳ 2015-2020 tiếp tục xác định “Khai thác tiềm năng để phát triển du lịch” là 1 trong 3 khâu đột phá. Một trong những nhiệm vụ và giải pháp là phát huy tiềm năng kinh tế du lịch là “Quan tâm bảo tồn, tôn tạo và phát huy các di tích lịch sử cách mạng, giá trị văn hóa, các lễ hội, sản phẩm truyền thống” để từng bước đưa ngành du lịch trở thành ngành kinh tế quan trọng, trong đó du lịch văn hóa tâm linh đóng vai trò then chốt, tỉnh Tuyên Quang đã thi hành những chính sách cụ thể và hợp lý để đánh thức được tiềm năng này. Bên cạnh đó, tỉnh cũng đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, quảng bá về các điểm du lịch tâm linh, lễ hội trên các phương tiện truyền thông, biên soạn các ấn phẩm du lịch, tham gia các hội chợ, triển lãm về du lịch trong và ngoài tỉnh, gắn kết các loại hình, xây dựng nhiều sản phẩm du lịch độc đáo để thu hút khách.

   Đến với những điểm du lịch tâm linh - lễ hội của Tuyên Quang trong những ngày đầu năm, du khách không chỉ được thưởng ngoạn cảnh sắc thiên nhiên tươi đẹp mà còn là cơ hội để tìm hiểu về ý nghĩa văn hóa, lịch sử của các điểm di tích - một trong những nét đẹp trong văn hóa du lịch tâm linh ở Tuyên Quang. Ngày xuân đi lễ đền, chùa cầu bình an, may mắn đã trở thành nét sinh hoạt văn hóa tâm linh của đông đảo người dân. Khi tiếp cận với không gian tín ngưỡng - thế giới của thần linh sẽ giúp mọi người gác lại những lo toan thường nhật, những cám dỗ vật chất, những toan tính nhọc nhằn để tâm hồn có những phút giây thanh thản, đánh thức lương tri hướng tới chân, thiện, mỹ. Đó mới chính là nhu cầu tâm linh cần thiết của mỗi con người chúng ta./.

Theo http://dulichtuyenquang.gov.vn


Bài viết liên quan