Tuyên Quang: Độc đáo Lễ “Lập Tịnh” – cấp sắc của người Dao đỏ

Lễ cấp sắc (còn gọi là Lễ Lập Tịnh) là một trong những nghi lễ độc đáo của người dân tộc Dao, được lưu truyền từ ngàn đời nay, thể hiện khát vọng về một cuộc sống sung sướng, ấm no và hạnh phúc. Đàn ông nếu chưa trải qua lễ cấp sắc thì dù già vẫn chưa được coi là trưởng thành và sẽ không được tham gia vào các công việc hệ trọng của làng. Thường được tổ chức vào tháng 11, 12 và tháng Giêng hằng năm.

 

Lễ cấp sắc người Dao đỏ ở thôn Phia Trang, xã Sơn Phú, huyện Na Hang, tỉnh Tuyên Quang

Lễ cấp sắc của người Dao gồm nhiều nghi lễ như: đặt tên âm, lễ cấp sắc ba đèn, lễ cấp sắc bảy đèn, lễ cấp sắc 12 đèn và lễ đội đèn, lễ hạ đèn, lễ giao binh, lễ trình Ngọc Hoàng, lễ cấp bản sắc, lễ tạ ơn tổ tiên... Thời gian tiến hành lễ cấp sắc kéo dài từ 3-5 ngày, ngày tháng thực hiện cấp sắc được chọn rất cẩn thận. Sau khi các thầy khấn, làm các thủ tục, xin âm dương, thần linh, người được cấp sắc sẽ chính thức được đặt tên âm và được công nhận là người đã trưởng thành.

 

Nghi lễ cấp sắc bảy đèn cho năm chàng trai người Dao đỏ

Trong lễ cấp sắc có phần cấp đạo (pháp danh) cho người thụ lễ với 10 điều cấm và 10 điều nguyện. Trong không gian của lễ cấp sắc có các điều răn dạy với nội dung hướng con người tới cái thiện, sống có đạo đức, có nhân cách, có trách nhiệm với gia đình và cộng đồng. Ðây cũng là nghi lễ thể hiện khát vọng về cuộc sống ấm no và hạnh phúc, thắm tình đoàn kết của đồng bào Dao.

 

Thầy cúng làm lễ trừ tà, xua đuổi ma quỷ

Lễ cấp sắc của người Dao là một nét đẹp trong văn hóa cổ truyền của dân tộc mang ý nghĩa giáo dục sâu sắc về truyền thống uống nước nhớ nguồn, giúp con người nhận thức đúng đắn về bản thân, về cách sống có nhân cách, đạo đức, trách nhiệm đối với gia đình và xã hội. Những điệu múa của người Dao thể hiện sự tự do hòa nhịp với các nhạc cụ thanh la, não bạt, trống, chuông lắc... với nhiều chủ đề khác nhau về lịch sử, cuộc sống sinh hoạt hàng ngày, được hình tượng hóa bằng các động tác nhảy múa kết hợp với ca hát để Bàn Vương và tổ tiên dòng họ xem như diễn tả về việc làm nương, tra hạt, làm nhà... Các điệu múa có thể kéo dài hàng giờ, được cả làng đến xem đông vui như ngày hội.

 

Vợ của những thanh niên được cấp sắc rực rỡ trong những bộ áo tự tay may

 

 

Nghi lễ kết thúc bằng việc thổi tù và để tạ ơn tổ tiên

Qua đó, nghi lễ đã góp phần xây dựng nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc, bảo tồn và phát huy những giá trị văn hóa dân tộc. Với những giá trị văn hóa và ý nghĩa nhân văn sâu sắc, nghi lễ cấp sắc của người Dao đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công bố là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia../.

Theo http://vanhien.vn


Bài viết liên quan