Lễ rước Mẫu đền Hạ, đền Thượng, đền Ỷ La tại thành phố Tuyên Quang. Ảnh: Quang Minh
Năm 2018 là năm thứ hai Lễ hội rước Mẫu đền Hạ, đền Thượng, đền Ỷ La được tổ chức với quy mô cấp thành phố. Đặc biệt năm nay, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã trao bằng công nhận Di sản văn hóa phi vật thể cấp Quốc gia đối với Lễ hội đền Hạ, đền Thượng, đền Ỷ La (theo Quyết định số 217/QĐ-BVHTTDL ngày 23-1-2017).
Đền Hạ nằm trên địa bàn phường Tân Quang; đền Thượng nằm trên địa bàn xã Tràng Đà, hai ngôi đền đều được xây dựng vào thời Hậu Lê (giữa thế kỷ XVIII); đền Ỷ La thuộc địa phận phường Ỷ La được xây dựng muộn hơn vào thời Nguyễn (thế kỷ XIX). Ba ngôi đền được người dân dựng lên để thờ đức thánh Mẫu và các bậc thần linh trong tín ngưỡng thờ Mẫu Việt Nam.
Rước Mẫu tại Lễ hội đền Hạ, đền Thượng, đền Ỷ La năm 2018.
Ông Trương Đức Tiến, Trưởng phòng Văn hóa và Thông tin thành phố Tuyên Quang cho biết, đến với Lễ hội đền Hạ, đền Thượng, đền Ỷ La, nhân dân và du khách không chỉ được tĩnh tâm ở chốn linh thiêng, được hòa mình vào bầu không khí sôi động của Lễ rước Mẫu độc đáo, được đắm mình trong những cung bậc trầm bổng của Chầu văn trong Liên hoan văn hóa tín ngưỡng thờ Mẫu, mà còn được tham gia vào các trò chơi dân gian truyền thống. Lễ hội đền Hạ, đền Thượng, đền Ỷ La đã và đang thực sự trở thành điểm hẹn hằng năm của người dân và du khách.
Trong phần lễ tại Lễ hội, người được chọn rước kiệu Mẫu là những nam thanh, nữ tú với quần áo trang nghiêm, chỉnh tề. Kèm theo lễ rước Mẫu là đội múa lân, dàn nhạc và hàng dài những người hành lễ, du khách thập phương đi phía sau kiệu Mẫu. Ông Cấn Minh Tuấn, tổ 2, phường Tân Quang chia sẻ, năm nào ông cũng cùng gia đình tham gia vào lễ rước Mẫu, điều này đã trở thành truyền thống của gia đình. Đặc biệt, khi tham gia lễ rước Mẫu và hòa mình vào những làn điệu chầu văn ông cảm thấy rất vinh dự và tự hào vì trên mảnh đất xứ Tuyên có một lễ hội đậm chất dân gian và giàu ý nghĩa như vậy. Rất nhiều người bạn của ông cũng từ các tỉnh lân cận đến tham gia lễ hội vì họ đều mong nhận được nhiều điều may mắn, bình an trong dịp đầu năm.
Người dân tham dự Lễ rước Mẫu.
Trong khuôn khổ lễ hội còn diễn ra Liên hoan văn hóa tín ngưỡng thờ Mẫu với chủ đề “Thực hành văn hóa tín ngưỡng thờ Mẫu của người Việt”. Tham gia Liên hoan có 6 thanh đồng, nghệ nhân dân gian đến từ các xã, phường trên địa bàn thành phố. Các tiết mục độc đáo dựa trên nền tảng nghệ thuật diễn xướng dân gian, những giá đồng trong nghi lễ chầu văn truyền thống, ca ngợi quê hương đất nước, các anh hùng có công với dân tộc… Liên hoan là dịp để những người thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu Tam Phủ, Tứ Phủ có cơ hội gặp gỡ, giao lưu và học hỏi. Qua đó, góp phần bảo tồn, giữ gìn và phát huy giá trị của di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại được tổ chức UNESCO công nhận.
Chị Nguyễn Hoàng Anh, huyện Sóc Sơn (Hà Nội) một du khách lần đầu đến với Tuyên Quang vui vẻ nói, chị rất may mắn vì lần này đến Tuyên Quang đúng dịp Lễ hội đền Hạ, đền Thượng, đền Ỷ La. Chị nhận thấy đây là lễ hội có ý nghĩa tâm linh sâu sắc với nhiều hoạt động độc đáo, mang đậm bản sắc dân tộc. Đặc biệt, lễ hội đã được công nhận là di sản văn hóa phi vật thể cấp Quốc gia càng cho thấy tầm quan trọng trong đời sống tín ngưỡng của nhân dân.
Trải qua bao thế hệ, lễ hội rước Mẫu ở Tuyên Quang đã trở thành một dấu ấn văn hóa đặc sắc, không thể thiếu mỗi dịp xuân về. Việc kế thừa và phát huy lễ hội cổ truyền mang đến một nét sinh hoạt văn hóa tâm linh tốt đẹp và giàu bản sắc, tạo điểm nhấn cho du lịch thành phố.
Theo baotuyenquang.com.vn/