Ngày Văn hóa các dân tộc Việt Nam 19-4: Rực rỡ sắc màu trang phục các dân tộc thiểu số

Tỉnh ta có 22 dân tộc anh em cùng chung sống, mỗi dân tộc đều có phong tục, tập quán khác nhau. Theo đó, trang phục cũng có những nét độc đáo riêng, thể hiện sự tinh tế, tôn lên vẻ đẹp của người mặc với những màu sắc, đường nét hoa văn khác nhau, góp phần làm phong phú thêm sắc màu văn hóa của các dân tộc trên địa bàn.

    Với sắc chàm làm chủ đạo, trang phục của các dân tộc Tày, Nùng, Cao Lan… mang dáng vẻ dịu dàng, đằm thắm khi kết hợp áo dài năm thân hoặc áo ngắn với quần. Để tăng thêm phần nền nã cho bộ trang phục, các bà, các cô thường thắt lưng bằng vải sáng màu, đeo vòng cổ, xà tích bằng bạc...


Tiết mục hát Páo dung của người Dao tại Lễ hội Lồng tông huyện Lâm Bình năm 2017.


    Bộ nữ phục Pà Thẻn nổi bật nhờ màu đỏ tươi. Màu đỏ trên trang phục của phụ nữ Pà Thẻn được ví như những con chim lửa. Sắc đỏ được lặp đi lặp lại, từ khăn đội đầu, áo, váy đến những tua vải trang trí… Công phu và tốn thời gian nhất là may áo. Áo của phụ nữ Pà Thẻn được dệt thủ công bằng nhiều loại chỉ. Áo gồm hai thân, được may lượn bó sát người gợi nét mềm mại của thiếu nữ vùng cao. Áo không có cổ, nẹp ngực viền vải xanh hoặc trắng. Thân áo còn được trang trí bằng những mảnh vải màu đen, xanh, trắng làm thành những đường kẻ hay các hình khối trông rất khỏe khoắn.

   Trang phục nữ người Dao Đỏ lại tạo ấn tượng sâu sắc cho những ai một lần chiêm ngưỡng bằng những chùm bông đỏ rực nơi nẹp áo, những đường chỉ viền, chỉ thêu ẩn hiện với các hoa văn hình quả trám, hình xoắn ốc… Trang phục truyền thống của phụ nữ Dao Đỏ bao gồm áo, quần, khăn vấn đầu, thắt lưng và các đồ trang sức khác đi kèm. Mỗi trang phục có 5 màu cơ bản: Đỏ, xanh, trắng, vàng, đen, trong đó chủ yếu là màu đỏ. Phụ nữ người Dao thường chỉ mặc áo dài có màu đen hoặc màu chàm và thêu kín các họa tiết trang trí bằng chỉ màu đỏ để nẹp cổ liền với ngực thân áo. Đặc biệt, hai đầu của nẹp ngực được đính nhiều chuỗi hạt cườm và tua đỏ sặc sỡ.

    Chị Triệu Thị Tăng, thôn Nà Cọn, xã Sơn Phú (Na Hang) khoe, các thành viên trong đội văn nghệ của chị, dù là ở nhà hay đi biểu diễn văn nghệ ở xã, huyện, tỉnh đều mặc trang phục truyền thống của dân tộc. Bởi đó là vẻ đẹp, quen thuộc, tự tin và còn giúp mọi người hiểu thêm về dân tộc Dao.

    Trang phục của người phụ nữ Mông lại rất đa dạng về màu sắc như xanh, đỏ, tím, vàng, trắng, đen… Trang phục gồm áo xẻ ngực, váy, thắt lưng và xà cạp. Áo có cổ chữ V, hai bên được nẹp thêm vải màu tùy thích, phía sau là một bức thêu hình chữ nhật được trang trí hoa văn hài hòa. Váy của phụ nữ Mông có nhiều nếp gấp, rộng, khi xòe ra mềm mại như cánh hoa, rung rinh theo mỗi bước chân của thiếu nữ. Phần cạp váy được khâu xếp lại cho vừa một vòng bụng và có hai dây để buộc. Trên nền váy may những sợi chỉ to với nhiều màu sặc sỡ. Ở giữa váy được thêu nhiều hoa văn cầu kỳ. Phần chân váy là phần tập trung các họa tiết và được trang trí tinh xảo nhất.

    Chị Đàm Thị Bậu, thôn Thài Khao, xã Yên Lâm (Hàm Yên) chia sẻ, chị đã được mẹ truyền dạy để hoàn thiện một bộ váy áo truyền thống khi chị mới 12 tuổi. Người con gái dân tộc Mông phải tự may bộ váy áo mới để mặc trong ngày cưới của mình. Có khi cả năm trời mới may xong một bộ, vì mỗi công đoạn đều cần sự kiên trì, khéo léo, tỷ mỷ…

     Bộ trang phục truyền thống của mỗi dân tộc đều được tạo nên dưới bàn tay cần cù, khéo léo của các bà, các mẹ. Mỗi đường chỉ thêu, họa tiết gói gém bề dày của thời gian, thể hiện góc nhìn của các dân tộc về đời sống muôn màu hiện hữu xung quanh, làm cho mỗi bộ trang phục thành một tác phẩm nghệ thuật thực sự. Vì vậy, giữ gìn những nét văn hóa, những trang phục truyền thống chính là cách chúng ta giữ gìn, bảo tồn bản sắc dân tộc.

Theo TQĐT


Bài viết liên quan